BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Miền Trung
Miền Trung lo chuẩn bị nhân lực
Thứ Ba, 14/07/2015 03:25
Miền Trung lo chuẩn bị nhân lực

Kinh tế miền Trung đang tăng tốc và hàng loạt dự án đầu tư lớn đã đổ về khu vực này. Trước động thái đó, bài toán về nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển trên đang là thách thức không nhỏ.

Kinh tế tăng tốc

Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực miền Trung gần đây, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, Duyên hải miền Trung với lợi thế lớn về du lịch, cảng biển sẽ là miền đất nhạy cảm với sự phát triển kinh tế. Điều đó được minh chứng qua con số thống kê của Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung về số lượng dự ánđầu tư trong và ngoài nước đã và đang đổ về khu vực này trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp.

Tốc độ phát triển của ngành du lịch khá lớn, bình quân hàng năm tăng trên 20%. Chính sự tăng tốc đó khiến nguồn lao động phục vụ lĩnh vực này trở thành bài toán khó cho các địa phương.

Không chỉ du lịch, miền Trung đang nổi lên với nhiều dự án công nghiệp lớn, trong đó bao gồm những ngành công nghiệp có độ chính xác cao, như dự án lắp ráp ô tô, dự án công nghiệp nặng, công nghiệp lọc hóa dầu…

Chẳng hạn, tại Khu kinh tế Dung Quất, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, với công suất hơn 5 triệu tấn/năm, đang đau đầu với việc tìm kiếm nguồn nhân lực. Trong khi đó, theo kế hoạch, nhà máy này tiếp tục mở rộng lên gần 8 triệu tấn/năm, dự kiến khởi công trong năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020. Để có nguồn nhân lực phục vụ cho dự án, ngay từ bây giờ, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã bắt tay đào tạo nhân lực.

Ngoài Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, miền Trung còn nhiều dự án lọc hóa dầu khác, như Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô (cần trên 10.000 nhân công), Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội (cần ít nhất 30.000 lao động).

Lĩnh vực công nghiệp còn ghi nhận sự xuất hiện của thương hiệu VSIP. Hiện tại, ở Quảng Ngãi, VSIP đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép đầu tư dự án Khu đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi giai đoạn I, với tổng vốn đầu tư 1.226 tỷ đồng, quy mô 99,78 ha, dân số dự kiến 14.000 - 16.000 người…

Cuộc đua đào tạo và thu hút nhân lực

Lượng lớn vốn đầu tư đổ về miền Trung đã biến mảnh đất đầy nắng và gió này trở nên năng động hơn. Tuy nhiên, đây cũng là nỗi lo không nhỏ cho cả chính quyền và nhà đầu tư về vấn đề nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã nhìn thấy thách thức này từ khá sớm. Trong chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng, Thành ủy và UBND Thành phố đã quán triệt việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo ông Viết, từ năm 2000, UBND TP. Đà Nẵng đã có chính sách thu hút nhân tài khá đặc biệt. Theo đó, Đà Nẵng bố trí chỗ ở, điều kiện sống tốt, cũng như liên kết tạo điều kiện cho lao động được học tập tại nước ngoài.

Trong khi đó, trong lĩnh vực du lịch, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội và các khu nghỉ đã đi vào hoạt động ổn định đã phối hợp xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực bài bản hơn, như đào tạo tại chỗ thông qua việc liên kết đào tạo với các trường đại học, đặt hàng tại các trường đại học lớn để có nguồn nhân lực dự phòng. Bên cạnh đó, các khu nghỉ cũng xây dựng chính sách đãi ngộ khá tốt nhằm thu hút nguồn lao động có hàm lượng chất xám cao từ nơi khác.

Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài, song hành cùng chính sách đào tạo dài hạn. Đơn cử, Công ty Doosan Vina tại Khu kinh tế Dung Quất đã  xây dựng chính sách đào tạo và quan tâm đến nhân lực ngay từ khi đi vào hoạt động.

Trong khi đó, Quảng Ngãi đã lựa chọn hướng thu hút nhân tài theo cách của riêng mình, trên cơ sở kết hợp giữa chính quyền và nhà đầu tư. Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi, địa phương cam kết hỗ trợ tốt nhất có thể về chi phí đào tạo nhân lực.

Liên quan đến vấn đề thu hút, đào tạo nhân lực ở miền Trung của khối doanh nghiệp, cách làm của Tập đoàn Hải Thạch (Phú Yên) cũng đáng để tham khảo. Theo ông Phạm Định Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Hải Thạch, xuất phát điểm là doanh nghiệp địa phương, qua nhiều dự án lớn như hầm đường bộ Đèo Cả, Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Đèo Cả - Ninh Hòa (Khánh Hòa), tập đoàn này đã từng bước lớn mạnh, nhu cầu về lao động có chất lượng ngày càng tăng, đòi hỏi phải có chính sách nhân sự phù hợp.

“Để nâng cao chất lượng nhân sự, bên cạnh việc thuê chuyên gia, giảng viên cao cấp từ các trường đại học danh tiếng trong nước về đào tạo tại chỗ, Tập đoàn còn thực hiện chính sách thuê chuyên gia làm việc trực tiếp với cán bộ Tập đoàn, qua đó từng bước chính quy hóa lực lượng lao động, quản lý của Tập đoàn”, ông Thuận nói.

Có thể, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp có cách làm riêng, nhưng mục đích cuối cùng là tìm đáp án tốt nhất cho bài toán nhân lực hiện nay. Mặc dù vậy, đây chỉ là hành động từ phía người sử dụng lao động, còn người lao động có muốn gắn bó với mảnh đất này hay không lại là vấn đề khác, phụ thuộc vào điều kiện làm việc, văn hóa ứng xử có đáp ứng được nguyện vọng của họ hay không.

Số lượt đọc: 3315
Thông báo