Báo cáo Ưu đãi đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp dựa trên kết quả điều tra doanh nghiệp trong khuôn khổ Dự án “Hệ thống theo dõi đầu tư và phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 18-19% vào GDP và trên 14% tổng thu Ngân sách và tạo ra 2,7 triệu việc làm trực tiếp.
Nhận định về xu hướng FDI, ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam cho rằng, FDI là một động lực phát triển của nền kinh tế trên thế giới. Với Việt Nam, FDI cũng rất quan trọng, thu hút FDI đạt hơn 206 tỷ USD trong 25 năm qua với hơn 14.000 dự án đầu tư. Trong giai đoạn 2001-2010, FDI đã đóng góp 14,2 tỷ USD vào Ngân sách và tạo ra 6 triệu việc làm cho người lao động. Việt Nam có khả năng thu hút FDI với tỷ lệ trung bình 8,3% GDP giai đoạn 2008-2012 và cao nhất ở châu Á. Tuy nhiên, thu hút FDI của Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao ở mức tương đối thấp, vì vậy, muốn cạnh tranh với các nước ASEAN trong việc thu hút FDI thì Việt Nam cần có hướng thu hút hiệu quả hơn như hướng đến công nghệ cao, công nghệ xanh, nâng cao mô hình quản lý nhằm tạo sự chuyển biến cho nền kinh tế Việt Nam hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dự án “Hệ thống theo dõi đầu tư và phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam” được bắt đầu từ năm 2010 gồm 3 Hợp phần chính được khảo sát thực hiện ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, khảo sát doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Hợp phần 1: xem xét ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; Hợp phần 2: sử dụng thông tin dữ liệu để nâng cao năng lực cho Cục Đầu tư nước ngoài (FIA); Hợp phần 3: thiết lập hoạt động lập quan hệ đối tác và phát triển thầu phụ tại Việt Nam với mục tiêu tác động FDI với công nghiệp hỗ trợ, làm sao để hỗ trợ tốt nhất, tăng cơ hội thầu phụ cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam.
|
Theo nội dung báo cáo tại Hội thảo, nhìn chung doanh nghiệp FDI nhận được ưu đãi đầu tư có xu hướng hoạt động, phát triển tốt hơn và sử dụng nhiều lao động hơn doanh nghiệp Việt Nam,... Không có sự khác biệt lớn giữa doanh nghiệp FDI nhận được ưu đãi và doanh nghiệp FDI không được nhận ưu đãi đầu tư, khi so sánh mối tương quan giữa ưu đãi và không ưu đãi đầu tư đối với hiệu quả doanh nghiệp FDI là không rõ ràng. Nếu doanh nghiệp FDI được ưu đãi nhiều về thuế thì doanh nghiệp này sẽ phát triển hơn và tiền lương của lao động ở mức cao hơn.
Đánh giá hoạt động doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX), kết quả điều tra của Dự án cho thấy, doanh nghiệp FDI trong KCN, KCX được nhận ưu đãi thì hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp Việt Nam, nhưng không khác nhiều doanh nghiệp FDI trong cùng KCN không được nhận ưu đãi.
Theo ông Đặng Xuân Quang, Việt Nam nhận thức tương đối thống nhất về ưu đãi đầu tư không phải là điều duy nhất và thay thế cho các yếu tố khác, nhưng nếu nhìn vào cơ cấu đầu tư thời gian qua, thì chính sách ưu đãi đầu tư đã thành công trong 25 năm thu hút FDI. Tuy nhiên, thu hút FDI vào một số địa bàn vẫn còn tồn tại khó khăn, cụ thể tại Tây Bắc, Đông Bắc và Duyên hải miền Trung.
Ông Patrick Gilabert cho rằng, nhân lực là yếu tố đóng vai trò quyết định để chuyển từ giai đoạn phát triển sang một giai đoạn tiếp theo. Việt Nam có cơ hội để thu hút FDI không chỉ là chất lượng cơ sở hạ tầng, mà còn liên quan đến chất lượng bền vững của nguồn lực nội tại ở Việt Nam./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư