- Sau chuyến thị sát tại các khu
công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai tuần qua, ông cảm nhận thế nào về tình
hình và không khí sản xuất kinh doanh sau sự cố gây rối vừa qua?
- Phải thừa nhận các doanh nghiệp đã
rất hoang mang. Họ lo ngại nhất là liệu các sự việc tương tự có tái diễn. Tuy
nhiên, chúng ta cam kết không để chuyện này lặp lại. Chính phủ đã chỉ đạo các
bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn, an ninh và hỗ
trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Chính phủ không hứa suông mà làm rất
quyết liệt. Chính phủ, các địa phương đã cử các đoàn đến từng doanh nghiệp để
nắm tình hình, lắng nghe và hỗ trợ bằng những việc cụ thể chứ không ngồi chờ
doanh nghiệp lên báo cáo.
Các chính sách giảm, giãn, khấu trừ
một số loại thuế, phí như thuê đất, bảo hiểm sẽ sớm được thực hiện sau khi có
rà soát tính toán cụ thể với từng nhóm mức độ thiệt hại, từng doanh nghiệp.
Những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ quyết làm ngay. Nếu vượt thẩm
quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.
Cảm nhận của doanh nghiệp thì phải
hỏi doanh nghiệp sẽ khách quan hơn, nhưng trong cuộc tiếp xúc nhiều doanh
nghiệp nói với tôi rằng một số nơi khác xảy ra chuyện tương tự Việt Nam thì nỗ
lực của họ không bằng như những gì Chính phủ, cơ quan chức năng của ta cam kết
và thực hiện. Mấy cuộc họp tôi dự thì đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng
xử lý của chúng ta rất kịp thời, trách nhiệm và chia sẻ.
Con số doanh nghiệp trở lại sản xuất
là câu trả lời thực chất nhất về niềm tin của doanh nghiệp đối với các chính
sách của chúng ta. Chính ra lúc đầu họ lo ngại, nhưng thông điệp của mình rõ
ràng, bằng chính sách cụ thể chứ không chung chung.
- Tại cuộc gặp gỡ giữa Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây, các doanh nghiệp nói chính sách thì
tốt nhưng họ cũng lo ngại thủ tục hành chính khi thực hiện trong từng việc cụ
thể. Vậy Chính phủ làm gì để hiện thực hóa các cam kết của mình?
- Thủ tướng đã hứa tạo điều kiện tối
đa cho các doanh nghiệp. Tôi đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặt tại các khu
công nghiệp để kịp thời nắm bắt vướng mắc chứ không để doanh nghiệp chạy đi
chạy lại.
Nhất quyết không để thủ tục hành
chính cản trở hoạt động sản xuất của họ. Thực tế nhiều lô hàng chưa chứng minh
đủ giấy tờ nhưng vẫn được phép xuất khẩu. Có doanh nghiệp thiếu chữ ký, con dấu
nhưng hải quan vẫn cho thông quan trên cơ sở cam kết của doanh nghiệp và hậu
kiểm sau.
- Vấn đề lao động sẽ được
giải quyết thế nào để doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại?
- Hiện hơn 98% số doanh nghiệp tại
Đồng Nai đã trở lại sản xuất. Bình Dương thấp hơn một chút, chủ yếu là rơi vào
một số doanh nghiệp thiệt hại nặng. Nhưng thực tế tại hai địa phương này chưa
có chuyện căng thẳng về lao động vì đa phần nhân lực tại chỗ.
Mình cam kết xử
lý nghiêm những lao động quấy rối mang tính chủ động, cầm đầu, xúi giục chứ
những lao động bị lôi kéo thì tuyên truyền, vận động và họ hiểu ra. Thực tế
nhiều người sau khi tham gia đã tỏ ra ân hận vì không chỉ làm ảnh hưởng đến
kinh tế đất nước mà cả quyền lợi của chính họ.
Một mặt chúng ta cũng giải quyết
chính sách cho người lao động. Ví dụ nhiều doanh nghiệp phản ánh người lao động
lo có được trả lương không trong những ngày ngừng sản xuất vừa qua. Tôi đã nói
Chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp trả lương và sẽ được hạch toán vào trong phần
chi phí hợp lý. Doanh nghiệp và cả người lao động rất thỏa mãn.
- Ngoài những chính sách hỗ trợ
vừa qua, liệu có cần tính tới phương án bồi thường cho doanh nghiệp?
- Khó khăn đó là ngoài mong muốn của
cả hai phía. Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ rất rõ ràng và doanh nghiệp thấy thế là
thỏa đáng, không doanh nghiệp nào đặt vấn đề bồi thường. Bồi thường có
chăng là bảo hiểm thực hiện chi trả thiệt hại theo quy định của luật thôi chứ
không phải chính quyền bồi thường, doanh nghiệp không đặt vấn đề như
vậy. Còn hỗ trợ thế nào thì tùy từng từng nhóm doanh nghiệp mà có mức hỗ trợ
thích hợp.
Chí Hiếu
Nguồn:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/pho-thu-tuong-doanh-nghiep-fdi-da-co-niem-tin-tro-lai-2994777.html