BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 10/01/2025
Quốc gia
Một số dự án FDI lớn sắp cập bến
Thứ Ba, 06/05/2014 12:11
Một số dự án FDI lớn sắp cập bến

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, một số dự án lớn đang được đàm phán, có thể được cấp chứng nhận đầu tư trong năm nay. Do đó, dự báo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2014 sẽ không giảm so với năm 2013

Tham gia chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi trả lời câu hỏi về việc thu hút FDI quý I/2014 sụt giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái có phải là một tín hiệu đáng lo ngại không, đã cho rằng điều đó không có nghĩa tình hình thu hút FDI năm 2014 sẽ sụt giảm mạnh mẽ.

 

“Việc so sánh thu hút FDI theo quý là không phản ánh được vấn đề. Quý I/2013, chúng ta có 2 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, là Dự án Samsung Thái Nguyên, vốn đầu tư 2 tỷ USD, và dự án tăng vốn 2,8 tỷ USD của Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Hai dự án này đã làm cho tổng mức thu hút FDI tăng vọt. Nhưng những dự án này đã có một thời gian dài đàm phán rồi mới đến lúc cấp chứng nhận đầu tư chính thức”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dù quý I năm nay không có những dự án lớn như vậy, nhưng nói như vậy không có nghĩa tình hình thu hút đầu tư năm 2014 sẽ sụt giảm mạnh so với 2013.

 

“Năm nay, chúng tôi dự báo thu hút FDI sẽ không giảm. Có một số dự án lớn hiện đang đàm phán để có thể ký kết trong năm 2014”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

 

Trong khi đó, liên quan đến việc một số nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam vẫn có những lo ngại về môi trường pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A), hợp tác công - tư (PPP), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đúng là chưa thật sự hoàn thiện, bởi Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển.

 

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống luật pháp đang từng bước được hoàn thiện. Tới đây, khi sửa đổi Luật Đầu tư, sẽ có riêng một mục về M&A, bởi đây sẽ là vấn đề nóng hổi trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.

PPP cũng là một hình thức mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết, trong năm nay sẽ hoàn thành nghị định về PPP.

 

“Chúng tôi đã lấy ý kiến của nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế, thậm chí cả các tập đoàn lớn trên thế giới có nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định hiện được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

 

Một vấn đề giành được nhiều sự quan tâm hiện nay, đó là thời gian vừa qua, Việt Nam dường như đã dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với hàng núi thủ tục hành chính và ưu đãi lại không rõ ràng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, không thể nói doanh nghiệp FDI được ưu đãi rất nhiều, mà doanh nghiệp trong nước thì không.

 

“Hai bên đều có những thuận lợi, khó khăn riêng. Nhưng cũng phải nói một cách công bằng rằng, thời gian vừa qua, chúng ta chú ý đến doanh nghiệp FDI, vì họ có những vai trò riêng trong lúc chúng ta đang thiếu hụt nguồn lực về vốn, kinh nghiệm, khoa học - công nghệ. Không phải chỉ Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia khác đang phát triển đều phải thu hút đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

 

Tuy vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, nếu không quan tâm đúng mức và đầy đủ đến doanh nghiệp trong nước, thì dù thu hút FDI tốt, kinh tế Việt Nam cũng không phát triển được, mà sẽ bị lệ thuộc.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, động lực để nền kinh tế phát triển trong thời gian tới chính là khu vực doanh nghiệp trong nước.

 

Về doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đang tập trung tái cấu trúc theo hướng thu hẹp lại các lĩnh vực hoạt động, đồng thời cổ phần hóa, nhưng điều cốt tử cuối cùng là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, phải quan tâm nhiều hơn, đầy đủ hơn khu vực dân doanh.

 

“Người dân và doanh nghiệp tư nhân phải được quan tâm, bởi đây là lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất và quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh và cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ trình sửa 2 dự luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng tất cả ngành nghề nào luật pháp không cấm thì người dân và doanh nghiệp đều được tham gia.

 

Theo Bộ trưởng, trước đây, chúng ta đã từng nói điều này nhiều và gần đây nhất, trong Hiến pháp sửa đổi 2013 đã lại một lần nữa khẳng định quan điểm này.

 

Tuy nhiên, lần này phải biến quan điểm đó thành hiện thực. Theo đó, doanh nghiệp không phải đăng ký lĩnh vực hoạt động khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Việc cấp phép đầu tư nước ngoài, cũng như một số lĩnh vực đầu tư khác sẽ được bãi bỏ. Các cơ quan nhà nước chỉ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra để nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện theo Luật.

 

“Tư tưởng xuyên suốt đó là chúng ta sẽ sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực và đảm bảo tất cả các thành phần kinh tế đều được tiếp cận nguồn lực bình đẳng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

 

Nguồn: baodautu.vn

Số lượt đọc: 296
Thông báo