Trong Diễn đàn Viện trợ cho Thương mại Việt Nam - Phần Lan ngày 17/3 tại Hà Nội, ông Markku Kauppinen cho biết, Phần Lan mong muốn các doanh nghiệp của mình hoạt động tích cực hơn tại Việt Nam. Trên thị trường Phần Lan hiện có nhiều sản phẩm mang nhãn mác “made in Vietnam” có uy tín như đồ điện tử, đồ gỗ, hàng tiêu dùng… Vì vậy, việc các doanh nghiệp Phần Lan chuyển giao công nghệ để sản xuất nhiều loại sản phẩm ngay tại Việt Nam sẽ mở ra triển vọng rất lớn.
Tham tán thương mại Phần Lan tại Việt Nam, ông Pietro Karjalainen cũng đồng tình khi cho rằng các doanh nghiệp nước này bị hấp dẫn bởi chi phí cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cạnh tranh hơn so với các nước khác. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm của Phần Lan đang thăm dò thị trường Việt Nam, thông qua Đại sứ quán. Trong số đó có nhiều công ty phần mềm lớn, đã có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, muốn chuyển sang Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất thiết bị, hợp tác về năng lượng sạch, lâm nghiệp, thủy sản cũng là hướng hợp tác mà Phần Lan muốn đẩy mạnh.
Theo nhận định của ông Nguyễn Cảnh Cường, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Âu, Bộ Công thương, việc Phần Lan thúc đẩy doanh nghiệp sang Việt Nam cho thấy nước này đang chuyển hợp tác với Việt Nam từ cấp Chính phủ sang khu vực tư nhân. Trước đây, hỗ trợ của Phần Lan nhắm tới lợi ích của cộng đồng là chính (xóa đói giảm nghèo, môi trường…), hiện nay lại thông qua phát triển hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, việc Phần Lan khẳng định trọng tâm hợp tác là tăng cường năng lực hàng xuất khẩu của Việt Nam là sáng kiến mới. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam được nhìn nhận là đã có sự trưởng thành, có thể đạt trình độ cao trong thương mại quốc tế.
Năm 2009, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Phần Lan đạt khoảng 228,7 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 149 triệu USD, nhập khẩu 79 triệu USD. Những mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan là cà phê, cao su, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, xe đạp, phụ tùng… Hầu hết những mặt hàng này đều nằm trong nhóm hàng Phần Lan ít, hoặc đã giảm sản xuất trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng. Về đầu tư trực tiếp, Phần Lan hiện có 5 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 33,4 triệu USD, đứng thứ 51 trong tổng số 89 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Diễn đàn Hỗ trợ Thương mại Việt Nam - Phần Lan phổ biến rộng rãi các chương trình phối hợp giữa hai nước. Đó là các hỗ trợ của Phần Lan thông qua các tổ chức quốc tế và chương trình đa phương; Quỹ Hỗ trợ địa phương, Chương trình Hợp tác sáng kiến… Các doanh nghiệp tư nhân sẽ được hưởng lợi ích từ nhiều chương trình hợp tác khác nhau này. Trọng tâm của AFT tại Việt Nam là nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu của ngành công nghiệp Việt Nam.
|