Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và khảo sát khu vực ĐBSCL của Đoàn doanh nghiệp Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản (JCI) diễn ra từ 20-24/4/2014. Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam lần này gồm hơn 40 doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và công nghệ, ngoài tham dự Hội thảo dự kiến Đoàn sẽ có các buổi làm việc chính thức và khảo sát đầu tư với TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Đồng Tháp.
Tại Hội thảo, các đại diện của doanh nghiệp Nhật Bản được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL; các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT thì đầu tư nước ngoài vào vùng ĐBSCL còn khá khiêm tốn (chỉ chiếm 5,2% số dự án và 4,7% vốn đầu tư của cả nước), đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản – đều là những thế mạnh của các địa phương trong vùng thì số dự án chỉ chiếm có 6% số dự án và 2% vốn đầu tư của vùng.
Đại diện cho các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, ông Kohei Watanabe-Chủ tịch UB Hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản cho rằng khu vực châu Á đã thấy sự phát triển rõ nét trong những năm gần đây đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc phát huy nền nông nghiệp với sự chuyển giao công nghệ tiên tiến sẽ góp phần hình thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, UB Hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã kí kết bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kinh tế. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trên cơ sở chia sẻ thông tin và nguồn nhân lực để thúc đẩy đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt, hai bên sẽ hỗ trợ doanh nghiệp để tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư, kinh doanh.