BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 26/11/2024
Quốc gia
Việt Nam, Trung Đông – Bắc Phi, Đối tác vì sự phát triển
Thứ Ba, 24/12/2013 10:19
Việt Nam, Trung Đông – Bắc Phi, Đối tác vì sự phát triển

Đầu tư của Việt Nam vào khu vực Trung Đông – Bắc Phi còn thấp: Hiện Việt Nam có 08 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 121 triệu USD. Khu vực Trung Đông với 07 dự án, trong đó UAE có 04 dự án; Ả-rập Xê-út, I-ran, Cô-oét mỗi nước có 01 dự án. Khu vực Bắc Phi chỉ có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại An-giê-ri. Dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam vào khu vực là Dự án thăm dò khai thác dầu khí lô Danan tại I-ran, vốn đầu tư 82 triệu USD. (Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư).


Trung Đông - Bắc Phi, Mỹ Latinh, khu vực kinh tế đầy tiềm năng

Trung Đông - Bắc Phi là khu vực có vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng đối với thế giới. Với dân số trên 520 triệu người và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là về dầu lửa, chiếm 60% trữ lượng của thế giới (810 tỷ thùng) và khí đốt, chiếm 45% trữ lượng của thế giới (khoảng 80.000 tỷ m3), khu vực này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Trong những năm qua, nhờ không ngừng đẩy mạnh cải cách kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi của thế giới (G20), nhiều quốc gia vùng Vịnh có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, nhiều thành phố trong khu vực như Đu-bai, Đô-ha, I-xtan-bun… đã trở thành những kỳ tích phát triển và những trung tâm tài chính, thương mại quan trọng trên thế giới…

Việt Nam, Trung Đông – Bắc Phi, khơi dậy tiềm năng hợp tác

Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, được thử thách và vun đắp qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm của lịch sử. Với nền tảng vững chắc đó, quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực trong những năm qua đã có nhiều phát triển đáng ghi nhận.

Hợp tác thương mại đã đạt được những thành quả nhất định: kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực năm 2012 đạt 7,4 tỉ đô-la Mỹ, tăng 878% so với năm 2002 (889 triệu đô-la Mỹ), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỉ đô-la Mỹ/năm. các sản phẩm chính mà Việt Nam xuất khẩu sang khu vực gồm: cà phê, cao su, sản phẩm từ cao su; các sản phẩm từ gỗ; hạt tiêu; sản phẩm hóa chất; chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo; hàng hải sản; sản phẩm dệt may; gốm sứ; hàng nông sản. Ngược lại Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm như: gỗ, dầu thô,...

Đầu tư của các nước Trung Đông – Bắc Phi vào Việt Nam chưa nhiều: Các quốc gia vùng Vịnh đang tích cực tham gia vào nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số 14 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 168 triệu USD, trong đó Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) có 06 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 134,6 triệu USD, chiếm 80,35% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực; I-rắc có 2 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 27,1 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực; Ô-man có 1 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 5 triệu USD, chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực; cuối cùng là Li-băng với 4 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 805.000 USD, chiếm 0,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực. Khu vực Bắc Phi chỉ có 01 dự án của Ma-rốc với tổng vốn đăng ký 1  triệu USD.

Phân theo ngành: Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư khu vực Trung Đông – Bắc Phi với tổng vốn đầu tư là 112 triệu USD, (chiếm 66,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 3 dự án với 28,4 triệu USD vốn đầu tư đăng ký (chiếm 20% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Còn lại là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Phân theo địa bàn đầu tư: Các nhà đầu tư Trung Đông – Bắc Phi đã đầu tư tại 5 địa phương. Dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh có 5 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 118,6 triệu USD (chiếm 70,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Đứng thứ hai là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với 2 dự án và 16,4 triệu USD đăng ký (chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Còn lại lần lượt là tỉnh Phú Thọ, Cần Thơ và thành phố Hà Nội.

Phân theo địa phương: Các nhà đầu tư Trung Đông – Bắc Phi chủ yếu tập trung đầu tư theo hình thức liên doanh. Có 4 dự án theo hình thức liên doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 144,1 triệu USD (chiếm 86% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Còn lại là các dự án theo hình thức 100% vốn nước ngoài.

Một số dự án lớn của khu vực tại Việt Nam đã triển khai như dự án Công ty TNHH phát triển bất động sản Eta Star của UAE, vốn đầu tư 112 triệu USD; Cty TNHH gia công thép Essar Việt Nam, vốn đầu tư 16 triệu USD. (Số liệu về FDI chưa tính đầu tư qua nước thứ ba, phần góp vốn của các nước này trong các liên doanh trong trường hợp tỉ lệ góp vốn không chiếm đa số).

Do khoảng các địa lý xa xôi, việc trao đổi thông tin về tiềm năng và cơ hội hợp tác còn hạn chế, hợp tác đầu tư Việt Nam và Trung Đông – Bắc Phi còn khiêm tốn cả về lượng và về chất. Dòng đầu tư từ các nước trong khu vực vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án thành lập các công ty thương mại, thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên và các dự án chỉ tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…vì vậy, khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước còn hạn chế.  

Đầu tư của Việt Nam vào khu vực Trung Đông – Bắc Phi còn thấp: Hiện Việt Nam có 08 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 121 triệu USD. Khu vực Trung Đông với 07 dự án, trong đó UAE có 04 dự án; Ả-rập Xê-út, I-ran, Cô-oét mỗi nước có 01 dự án. Khu vực Bắc Phi chỉ có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại An-giê-ri. Dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam vào khu vực là Dự án thăm dò khai thác dầu khí lô Danan tại I-ran, vốn đầu tư 82 triệu USD. (Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư).

Các nhà đầu tư của Việt Nam đầu tư sang các nước trong khu vực tập trung vào những nước mà các hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển như viễn thông, xây dựng và dầu khí. Vietel, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và một số công xây dựng như Halico, Tổng công ty lắp máy Việt Nam … là những nhà đầu tư thành công tại một số quốc gia trong khu vực này.

Các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – Bắc Phi

 Hiện nay, Việt Nam và các đối tác Trung Đông – Bắc Phi đã ký kết các hiệp định hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật,…cụ thể như sau:

Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư: Việt Nam đã ký với các nước: Ca-ta; Ô-man; Ma-rốc; I-ran; Ai-cập; An-giê-ri; Cô-oét.

Hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại: Việt Nam đã ký với cá nước: Ả-rập xê út; Thổ-nhĩ-kỳ; Xu-đăng; Pa-lét-xtin; UAE; Tuy-ni-di; Ca-ta; Ô-nam; Ma-rốc; Li-bi; I-ran, Ai-cập; An-giê-ri; Ba-ranh; Li-băng; I-rắc; Cô-oét.

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần: Việt Nam đã ký với các nước: Ả-rập xê út; UAE; Tuy-ni-di; Ca-ta; Ô-man; Ma-rốc; Ai-cập; An-giê-ri; Cô-oét.

Ngoài ra, Việt Nam còn ký các Hiệp định hợp tác, biên bản ghi nhớ với một số nước trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi trong các lĩnh vực chuyên ngành như Nông nghiệp; giao thông; văn hóa-xã hội; ngoại giao…

Định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam

Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường thu hút các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia; khuyến khích tăng cường liên kết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; ngoài ra định hướng quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực phù hợp với lợi thế từng vùng, từng ngành.

Về định hướng, khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào khu vực Trung Đông – Bắc Phi, mặc dù đầu tư của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực còn nhiều khó khăn, tuy nhiên ta cần tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và khu vực trên đang thiếu như viễn thông, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng. Hệ thống hạ tầng viễn thông và xây dựng các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi còn chưa phát triển mạnh mẽ, nền công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng còn chưa phát triển, do đó đây là những lĩnh vực đầu tư nhiều tiềm năng của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Đông – Bắc Phi là khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, vì vậy việc thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực dầu khí vào khu vực này là bước đi đúng hướng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư trong thời gian tới

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và đang vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị - xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công dồi dào có kỹ năng lại nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là một động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, so với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên, những kết quả trên còn khá khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, rất cần có những nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên bằng các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao dòng đầu tư của các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi vào Việt Nam và ngược lại như: tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau thông qua hợp tác và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại của hai nước; tạo cơ chế trao đổi thông tin định kỳ giữa các cấp tương ứng của hai Bên về các thông tin kinh tế vĩ mô cũng như các thông tin khác về luật pháp, chính sách cơ hội đầu tư kinh doanh. Riêng đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang khu vực Trung Đông -  Bắc Phi, cần khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào khu vực, qua đó sẽ kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp dân doanh sang phát triển các dự án đầu tư vào khu vực.

Với nhận thức trên, Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi trong các ngày 4-5/11/2013 tại Hà Nội và đã được sự hưởng ứng tích cực của các nước trong khu vực. Với sự tham dự của đại diện các Chính phủ, các chính quyền địa phương, một số tổ chức quốc tế và khu vực, cộng đồng doanh nghiệp... từ khu vực Trung Đông - Bắc Phi và Việt Nam, Diễn đàn sẽ là dịp để các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp hai bên tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thảo luận những biện pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư…những cơ hội hợp tác mới, đem lại những thành quả thiết thực trong lĩnh vực kinh tế hướng tới một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng cho Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi./.

 

 

 

 

Số lượt đọc: 622
Thông báo