Cộng hòa Uzbekistan là Quốc gia có nền kinh tế chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời là nước sản xuất khí gas, đồng, than, dầu mỏ, bạc và uranium lớn. Trong những năm gần đây, thương mại song phương Việt Nam- Uzbekistan có sự chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Hải quan Uzbekistan, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước năm 2012 đạt 14,4 triệu USD, tăng 6,9% so với năm 2011. Trong 8 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất ngạch hai chiều đạt 8,3 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Uzebekistan là 3,5 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,8 triệu USD. Uzbekistan có nhu cầu nhập khẩu nông sản nhiệt đới (chè, cà phê, cao su), thực phẩm, hàng thủ công, may mặc từ Việt Nam, và có khả năng cung cấp cho Việt Nam bông, tơ tằm, phân bón, các loại dây dẫn phụ tùng máy móc. Về đầu tư, đến nay Cộng hòa Uzbekistan chưa có dự án đầu tư tại Việt Nam, và Việt Nam mới có 02 dự án đầu tư sang Uzbekistan trong lĩnh vực dầu khí với tổng vốn đầu tư gần 50 triệu USD.
Hoan nghênh Thứ trưởng S. Shermatov đến thăm và làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Việt Nam và Uzbekistan có nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ thương mại và kinh tế. Kể từ khi Việt Nam và Uzbekistan thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định khung: Hiệp định về hợp tác kinh tế - thương mại (năm 1994); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (năm 1996); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 1996); Hiệp định về thành lập Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam-U-dơ-bê-ki-xtan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (năm 1996). Đây là những tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Đặc biệt, tiềm năng phát triển du lịch giữa Việt Nam và Uzbekistan là rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác: Uzbekistan có phong cảnh rất đẹp và Việt Nam cũng có nhiều bãi biển đẹp, thu hút nhiều du khách quốc tế. Nếu du lịch biển, du lịch sinh thái giữa hai nước được quan tâm phát triển, sẽ tạo điều kiện rất tốt để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, rào cản lớn nhất trong hợp tác giữa hai bên là khoảng cách địa lý xa xôi, giữa hai nước chưa có đường bay trực tiếp, trao đổi hàng hóa chủ yếu qua đường biển với chi phí cao, thêm vào đó vị trí địa lý của Uzbekistan lại không gần những cảng biển lớn. Do đó, hai bên cần tìm ra phương thức phù hợp để thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhằm phát huy hết những tiểm năng và lợi thế của hai nước.
Thứ trưởng S. Shermatov nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, đồng thời khẳng định Uzbekistan luôn mở cửa và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và hợp tác kinh doanh. Thứ trưởng S. Shermatov cũng nhấn mạnh, hai bên cần trao đổi sâu hơn nữa về phương thức hợp tác trong Khóa họp lần thứ 7 Ủy ban Liên Chính Phủ sẽ diễn ra tại Uzbekistan vào năm 2014.