BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 26/11/2024
Quốc gia
Đoàn Doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sang thăm và khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam
Thứ Năm, 21/11/2013 02:32
Đoàn Doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sang thăm và khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam

Sáng ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tiếp Đoàn đại biểu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) do ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong- Nhật Bản thuộc JCCI dẫn đầu đang thăm Việt Nam.

Giới thiệu về JCCI, Chủ tịch Kohei Watanabe cho biết, JCCI có tổng số 514 chi nhánh tại các tỉnh, địa phương trong Nhật Bản, với 1,3 triệu hội viên, trong đó 99,7% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 1/3 tổng số các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong toàn Nhật Bản. Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Công - Nhật Bản thuộc JCCI được thành lập tháng 4/2013 với gần 200 doanh nghiệp thành viên; nhằm mục đích đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại của Nhật Bản với các nước ASEAN nằm trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công nói chung và với Việt Nam nói riêng.

         Trong chuyến công tác sang thăm Việt Nam lần này có đại diện của 74 doanh nghiệp thành viên JCCI, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như cơ khí chế tạo, điện tử với mục đích khảo sát môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng một số Khu công nghiệp của Việt Nam; thảo luận với các Bộ, ngành của VN về chính sách cũng như môi trường đầu tư các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên trong chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam hợp tác với Nhật Bả và mở rộng hoạt động hợp tác với khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Kohei Watanabe cũng cho biết, một trong những khung hợp tác vô cùng hiệu quả giữa hai nước là Sáng kiến chung Việt - Nhật. Đây cũng là lý do để các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho đầu tư tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực đang được hai bên thúc đẩy hợp tác đầu tư là thương mại, điện tử, phần mềm, tài chính - ngân hàng, truyền thông, chế tạo, sản xuất linh kiện - phụ tùng, khai khoáng, xây dựng, vận tải, công nghiệp….

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao chuyến công tác của ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông cùng đoàn doanh nghiệp thành viên JCCI. Bộ trưởng cho biết trong công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam, bên cạnh việc xúc tiến thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, chính sách của Việt Nam cũng đang tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, quan hệ đầu tư thương mại giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp và mạnh mẽ. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam cũng đứng hàng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hai nước đã có những hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp. Hy vọng rằng phía Nhật Bản với những kinh nghiệm của mình sẽ đóng góp thiết thực cho những kế hoạch hành động cụ thể từ đó thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hỗ trợ nhằm đạt được hiệu quả hợp tác cao hơn.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao các hoạt động của Đoàn trong chuyến thăm lần này nhằm triển khai Biên bản hợp tác ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư đã ký ngày 25/9/2012 giữa Chủ tịch JCCI và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau buổi làm việc với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cùng với Chủ tịch Watanabe Kohei đã đồng chủ trì ”Cuộc họp lần thứ nhất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản”. Tham dự cuộc họp, còn sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông; đại diện các tỉnh, các KCN cùng với 74 doanh nghiệp thành viên JCCI.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao vai trò và ý nghĩa thiết thực của các Hội thảo, coi đây là cơ hội để ghi nhận các ý kiến đóng góp và nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Tại cuộc họp, ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư mà Việt Nam đang thực hiện, với những nỗ lực đó ông tin rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công, đặc biệt là mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam căn bản trở thành nước công nghiệp. Vì vậy Việt Nam cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong phát triển đầu tư ngành công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp phụ trợ và là địa chỉ vàng về thu hút đầu tư.  

Cuộc họp đã được nghe phần thảo luận trao đổi kinh nghiệm về đầu tư và kinh doanh qua phần trình bày đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản. Bao gồm những vấn đề chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục đích của chiến lược là ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao động và tạo dựng năng lượng cạnh tranh quốc tế, cụ thể trong 3 ngành: ô tô, điện tử, môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Các đại biểu ghi nhận các ý kiến đóng góp từ cuộc họp, trên cơ sở đó, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thật hiệu quả và thân thiện. Phía Việt Nam thành lập nhóm chuyên trách trong những Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch hành động phát triển các ngành một cách nhất quán. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cung cấp chia sẻ thông tin, tài liệu, số liệu thống kê cần thiết phục vụ cho tổ chức thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan của Nhật Bản cam kết tham gia tích cực hỗ trợ công tác triển khai thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa, tích cực xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm năng vào Việt Nam, chọn lọc thông tin và chia sẻ với các Bộ, ngành và các bên liên quan phục vụ triển khai để thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa.

Trong chuyến thăm lần này của Đoàn, Cục ĐTNN cũng đã thu xếp cho Đoàn thăm và làm việc với một số Tỉnh, Ban quản lý Khu công nghiệp; gặp và làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam tại khu vực phía Bắc và phía Nam.

Ngoài ra, Đoàn cũng có chương trình làm việc và Hội thảo với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu long trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến…Hội thảo có sự tham gia đồng chủ trì của Đại Sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài và đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ./.

Số lượt đọc: 512
Thông báo