Tham dự buổi tiếp phía Việt Nam còn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Tấn Viên cùng lãnh đạo các đơn vị có liên quan. Về phía Trung Quốc, đoàn công tác còn có ông Khổng Huyễn Hựu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Hoa tại Việt Nam; ông Lục Công Phúc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Cục Trưởng Cục Đường sắt; ông Du Kiến Hoa, Thứ trưởng Bộ Thương mại cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã điểm lại tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm qua. Bộ trưởng đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm gần đây. Hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc có nhiều chuyển biến tích cực trong kinh tế, thương mại, … vì lợi ích của hai dân tộc.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua, lãnh đạo cấp cao giữa hai nước đã có nhiều sáng kiến, đạt được những tuyên bố chung quan trọng trong đó có việc thành lập ba nhóm công tác trên biển, trên bộ và về lĩnh vực tiền tệ. Bộ trưởng mong muốn hàng năm hai nước cần có các cuộc họp luân phiên để trao đổi thông tin hợp tác, giải quyết, điều phối những khó khăn phát sinh. Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước làm đầu mối phía Trung Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm đầu mối phía Việt Nam.
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Hiểu Cường đã tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, theo đó trong 9 tháng đầu năm nay GDP tăng 7,7% so với cùng kỳ, sản lượng lương thực 10 năm đạt 600 triệu tấn, giải quyết 1700.000 người có việc làm. Dự kiến 7 năm tới, Trung Quốc sẽ duy trì GDP tăng trung bình ở mức 7,5%. Trung Quốc sẽ đi sâu cải cách và mở cửa, theo định hướng tăng trưởng là coi trọng chất lượng và sự phát triển bền vững…
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Trương Tấn Viên cho biết trong lĩnh vực hợp tác về giao thông vận tải (GTVT) giữa Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ hai bên đã ký các Hiệp định hợp tác về GTVT trên 4 lĩnh vực cụ thể là: Hiệp định đường bộ song phương (ký 1994, bổ sung, sửa đổi 2011), Hiệp định vận tải biển ký 1992, Hiệp định đường sắt biên giới ký năm 1992 và Hiệp định hàng không hai nước ký năm 1992. Hiện tại hai bên cũng đang đàm phán, chuẩn bị ký kết Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân, tạo điều kiện hợp tác có hiệu quả trong vận tải thủy.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, Trung Quốc đã và đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhiều dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải như: tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Dự án “Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội”, …
Qua đó Bộ Giao thông Việt Nam kiến nghị phía Trung Quốc phối hợp sớm khởi công các dự án cầu kết nối biên giới gồm dự án cầu Tà Lùng – Thủy Khẩu II (tỉnh Cao Bằng – Quảng Tây), cầu Bắc Luân II (Quảng Ninh – Quảng Tây). Hai nước sớm phối hợp đàm phán Hiệp định ký ở cấp Chính phủ thay thế Hiệp định đường sắt năm 1992 đã lạc hậu.
Về vận tải, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc phối hợp nhằm đẩy mạnh các hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước. Mở tuyến vận tải mới qua lại hai nước từ thành phố Trùng Khánh – tỉnh Quý Châu – thành phố Bách Sắc, Quảng Tây.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án kết nối hai nước nằm trong danh mục các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung giai đoạn 2012 – 2016; …
Cuối buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao sự hợp tác tích cực của đoàn công tác Trung Quốc. Đây là mốc quan trọng mở ra những buổi làm việc tiếp theo giúp nâng cao hợp tác giữa hai nước vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc ngày càng bền chặt./.