Hội thảo Hợp tác đầu tư Việt Nam –Myanmar do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM) và Bộ Công Thương tổ chức.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì Hội thảo Hợp tác đầu tư Việt Nam –Myanmar cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu. Về phía Myanmar, Thủ hiến bang Yangon Umynt Swe cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và phát triển vùng, Phó chủ tịch Liên minh phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI) cùng tham dự và chủ tọa Hội thảo.
Hội thảo Hợp tác đầu tư Việt Nam –Myanmar gồm 2 phần(Phiên toàn thể và phiên kết nối doanh nghiệp) đã thu hút khoảng 200 quan chức và doanh nghiệp hai nước tham dự. Đây là Hội thảo có quy mô lớn nhất giữa Việt Nam và Myanmar từ khi Chính phủ Myanmar ban hành Luật đầu tư mới năm 2012. Đặc biệt, phiên kết nối với 05 nhóm lĩnh vực (bất động sản, thương mại –dịch vụ, phân bón-hóa chất, xây dựng-vật liệu xây dựng, du lịch khách sạn) đã ghi nhận 57 doanh nghiệp Việt Nam và 29 doanh nghiệp Myanmar tham gia với gần 200 lượt đăng ký.
Tại Hội thảo Hợp tác đầu tư Việt Nam –Myanmar, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu đã cho biết, hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho 8 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đăng ký khoảng 481 triệu USD, vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là hơn 450 triệu USD. Trong đó có những dự án nổi bật như Dự án về dầu khí (lô M2) tại vùng biển Tây Nam của Myanmar do PVEP liên kết với Eden Group Co., Ltd của Myanmar, dự án khai thác đá màu tại bang Rakhine của Công ty CP Simco Sông Đà và đặc biệt là dự án của Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, khách sạn năm sao và khu căn hộ dịch vụ tại diện tích 8 ha tại thành phố Yangon, Myanmar.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cùng nhất mạnh, kết quả cụ thể từ các hoạt động xúc tiến đầu tư thời gian qua chưa cao. Điều này thể hiện ở số lượng các hợp đồng hoặc dự án cụ thể được cấp phép hoạt động và triển khai thực hiện trên thực tế còn khiêm tốn. Một số thỏa thuận về hợp tác đầu tư được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Myanmar chưa trở thành những dự án đầu tư cụ thể... Điều này đòi hỏi các cơ quan hai Bên và các doanh nghiệp cần có sự phối hợp tốt hơn để sớm biến những thỏa thuận thành hiện thực, góp phần đưa quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước lên tầm cao mới.
Thay mặt các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar, Chủ tịch AVIM, ông Trần Bắc Hà có báo cáo về tình hình hoạt động đầu tư của các thành viên trong Hiệp hội và kiến nghị với Chính phủ hai nước cần hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp hai bên trên cơ sở 12 nội dung tại Tuyên bố chung giũa hai Lãnh đạo ký năm 2010.
Ngoài ra, Hội thảo cũng nghe các bài phát biểu và trình bày của các Lãnh đạo các Bộ, ngành phía Myanmar đánh giá về kết quả hợp tác đầu tư giũa hai nước thời gian qua và đề xuất hướng hợp tác trong thời gian tới.
Với sự thành công của Hội thảo Hợp tác đầu tư Việt Nam –Myanmar lần này, hy vọng rằng, trong thời gian tới, hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar sẽ diễn ra sôi động hơn, hiệu quả hơn, đem lại những kết quả thiết thực nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết hợp tác, hữu nghị, toàn diện và bền chặt giũa Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam –Myanmar.