BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 10/01/2025
Quốc gia
Kỳ vọng FDI từ Pháp
Thứ Hai, 14/07/2014 02:29
Kỳ vọng FDI từ Pháp

(Baodautu.vn) Nhiều doanh nghiệp Pháp tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, với kỳ vọng tạo lập một làn sóng đầu tư mới.

Nếu không có gì thay đổi, dự kiến, tháng 8 tới, một số công đoạn sản xuất thiết bị cho máy bay Airbus tại Việt Nam sẽ chính thức được khởi công.

“Thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Chi phí sản xuất tại Việt Nam khá hấp dẫn”, ông Jean-Francois Laval, Phó chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Airbus cho biết lý do để Tập đoàn chọn Việt Nam làm nơi sản xuất thiết bị cho mình.Dù chỉ thực hiện việc sản xuất linh kiện cho máy bay tại Việt Nam thông qua Nikkiso Việt Nam, một công ty của Nhật Bản, song sự xuất hiện của Airbus - tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu của Pháp, cũng được kỳ vọng sẽ làm “nóng” làn sóng đầu tư, sản xuất - kinh doanh mà các doanh nghiệp Pháp đang từng bước thiết lập tại Việt Nam.

Thực tế, không chỉ mình Airbus tìm đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Ông Marc Cagnard, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Đại diện Thương mại Pháp tại Việt Nam cho biết, có 15 đoàn, mỗi đoàn gồm 8 - 10 doanh nghiệp, đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh trong năm 2014.

“Doanh nghiệp Pháp đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, cũng như cơ hội phát triển sản xuất và khả năng cạnh tranh trong khu vực ASEAN”, ông Cagrard nói.

Đánh giá cao tiềm năng này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Pháp kinh doanh tại Việt Nam đã không ngừng tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất. Mới đây nhất, đầu tháng 6/2014, Schneider Electric đã chính thức công bố việc đưa vào hoạt động nhà máy mới tại KCN Amata (Đồng Nai). Cùng với cơ sở sản xuất mới, Schneider cũng đã hoàn tất việc mở rộng và đưa vào sử dụng trung tâm phân phối khu vực phía Bắc, đặt tại VSIP Bắc Ninh.

Như vậy, cùng với nhà máy thứ nhất đặt tại KCN Biên Hòa 1 (Đồng Nai), từ năm 1996, Schneider đã có 2 nhà máy tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường nội địa, lẫn các thị trường xuất khẩu như Indonesia, New Zealand, Australia…

Tương tự, đầu năm ngoái, Sanofi, hãng sản xuất dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới, cũng đã chính thức triển khai xây dựng nhà máy mới trị giá 75 triệu USD tại TP.HCM. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Sanofi tại thị trường Việt Nam và dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong năm 2015.

“Dự án mới sẽ tiếp tục tăng cường vị trí dẫn đầu của Sanofi tại thị trường mới nổi”, ông Christopher A. Viehbacher, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sanofi nói và cho biết, Sanofi là tập đoàn dược phẩm nước ngoài duy nhất có hai nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO-GMP đặt tại TP.HCM.

Và tất nhiên, nói đến đầu tư của Pháp tại Việt Nam, không thể không nhắc tới Casino, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp và châu Âu. Tập đoàn này, cho đến nay, đã phát triển được chuỗi gần 30 siêu thị mang thương hiệu BigC tại thị trường Việt Nam. Thành công của BigC tại Việt Nam có lẽ là điều không cần phải bàn cãi.

Cũng trong lĩnh vực bán lẻ, năm ngoái, Auchan, một tập đoàn hàng đầu khác của Pháp, cũng đã đến Việt Nam và công bố kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường này trong vòng 10 năm tới. Và Auchan có thể sẽ là nhà đầu tư Pháp tiếp theo có mặt tại Việt Nam, sau Alstom, Renault, Total, Technip, Bel Group…, là những tên tuổi lớn của quốc gia này.

Vốn đầu tư từ Pháp vào Việt Nam cho tới thời điểm này còn khiêm tốn, song theo ông Cagnard, luồng vốn này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực được doanh nghiệp Pháp quan tâm là bán lẻ, du lịch, thiết bị y tế, công nghệ xanh, viễn thông, công nghệ mới…

Nguyên Đức

 

Số lượt đọc: 276
Thông báo