Thủ tướng Nhật cùng phu nhân đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài đến 20/10. Hôm nay (19/10), ông Yoshihide Suga dự kiến gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Nhật.
Là người sống 9 năm ở Việt Nam, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, phụ trách dịch vụ doanh nghiệp Nhật Bản Onose Takahisa tỏ ra hào hứng khi Thủ tướng Yoshihide Suga chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên.
"Việt Nam là một trong những đất nước quan trọng nhất trên thế giới đối với Nhật Bản", ông Takahisa nói. Theo ông, các công ty Nhật ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, bằng chứng là 15/30 doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga di chuyển từ nơi đón chính thức đến phòng hội đàm trong chuyến thăm Việt nam sáng 19/10. Ảnh: Ngọc Thành.
Nhiều nhà bán lẻ khác như Uniqlo, MUJI cũng đang tìm cách mở rộng thêm cửa hàng. Cuối tuần trước, chuỗi dược mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi cũng đặt cửa hàng đầu tiên TP HCM. Với chuỗi bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON, Việt Nam cũng là thị trường nước ngoài được họ xem là trọng điểm để đầu tư, phát triển. Đến năm 2025, tập đoàn dự kiến vận hành 25 trung tâm thương mại với sự chuẩn bị tài chính lên đến 2 tỷ USD.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho rằng thị trường này rất tiềm năng nhờ tăng trưởng GDP cao, quy mô dân số dự kiến 100 triệu người vào 2025 với thu nhập trung bình của người dân tăng nhanh, diện tích bán lẻ hiện đại bình quân đầu người thấp hơn các nước khác...
Dân số Nhật đã giảm năm thứ 11 liên tiếp, tỷ lệ giảm lớn nhất trong lịch sử thống kê, theo thông tin từ Bộ Nội vụ & Truyền thông nước này hồi tháng 8. Áp lực này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà bán lẻ Nhật phải mở rộng sang những quốc gia có quy mô lớn, dân số trẻ.
Trong khi đó, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận xét, nền tảng cơ bản hấp dẫn doanh nghiệp Nhật là lực lượng lao động trẻ, chăm chỉ, cần cù.
Theo đánh giá của Goldman Sachs, chi phí lao động của Việt Nam rất cạnh tranh. Dữ liệu cho thấy, mức lương tối thiểu dù được điều chỉnh, tăng mạnh trong một thập kỷ qua nhưng chỉ bằng nửa Trung Quốc. Tại những thành phố đắt đỏ như Hà Nội, TP HCM, lương tối thiểu được quy định là 190 USD một tháng, còn Thượng Hải là 360 USD một tháng. Ở những thành phố rẻ hơn, mức lương ở Việt Nam và Trung Quốc là 132 USD một tháng và 220 USD một tháng.
Mặt khác, các thoả thuận thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn cũng khiến Việt Nam tránh khỏi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Điều này khiến nền kinh tế này trở thành điểm trú ẩn an toàn cho các tập đoàn sản xuất toàn cầu. Việt Nam cũng có vị trí thuận lợi khi chung đường biên giới với Trung Quốc, khoảng 2-3 giờ lái xe.
Đến hết tháng 9, Nhật Bản có gần 4.600 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 60 tỷ USD, đứng thứ hai trong 136 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2019, báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho biết, 66% doanh nghiệp Nhật có lãi khi đầu tư vào Việt Nam. 64% doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khảo sát của công ty NNA (Nhật Bản), dựa trên 820 câu trả lời hợp lệ cho biết, Việt Nam vượt Ấn Độ, là địa điểm đầu tư hứa hẹn nhất trong năm 2020 ở châu Á trong mắt doanh nghiệp Nhật.
Việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian này, ngoài những yếu tố kể trên, còn đến từ khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam trước các biến động, như Covid-19.
"Các bạn chống chọi và ngăn dịch rất tốt. Tại Nhật, đến nay, vẫn có tận 500 ca nhiễm mỗi ngày. Tôi cũng thấy rằng rất khó để cân đối bài toán chống dịch và phát triển kinh tế, nhưng các bạn đã làm rất tốt mục tiêu kép này", ông Akira bình luận.
Ngược lại, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thị trường Nhật Bản còn nhiều dư địa cho hàng Việt. Hiện nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 3,1% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu của nước này.
Theo ông, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Nếu Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng có hàm lượng công nghệ có giá trị gia tăng cao, người Nhật quan tâm đến hàng nông - lâm - thuỷ sản, dệt may, da giày...
Vải thiều Việt Nam được bày bán ở một siêu thị của Nhật. Ảnh: Minh Hà.
"Gần đây đã có làn sóng các doanh nghiệp Nhật chuyển hướng sang Việt Nam, tăng cường đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm rồi sau đó xuất khẩu ngược về nước", ông Phú nói.
Như với AEON, tổng giá trị hàng hoá họ xuất từ Việt Nam qua Nhật đang tăng hàng năm. Nếu năm 2017 tổng giá trị hàng hoá là 250 triệu USD, thì đến năm ngoái, con số đã đạt khoảng 370 triệu USD.
Mặt khác, hàng Việt có lợi thế nhờ vào nhiều ưu đãi thuế quan từ các FTA mà hai cùng là thành viên, đơn cử hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Với lợi thế là chuỗi bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, AEON đã đưa thành công nhiều mặt hàng Việt đến tay người tiêu dùng Nhật từ năm 2015. Theo đơn vị này, các mặt hàng chủ lực gồm may mặc (chiếm khoảng 59%), thực phẩm (chiếm 34,6%), nông sản như cà phê, thanh long, chuối, xoài, vải thiều, thuỷ sản như cá basa, tôm...
Tuy nhiên, nếu muốn đón nhận được các cơ hội, Việt Nam cần giải quyết được các vấn đề đang tồn tại. Lãnh đạo JICA cho hay, doanh nghiệp Nhật vẫn "phàn nàn" về nguồn lao động Việt Nam. Họ có nhu cầu lớn về người có tài năng và công nhân có kỹ năng để tham gia sâu các công đoạn sản xuất. "Đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật cao là yếu tố quan trọng lúc này", ông Shimizu Akira nói.
Bên cạnh đó, JICA cho biết, các doanh nghiệp cũng lo ngại về thủ tục hành chính và thực thi pháp luật. Hiện các quy định của Việt Nam tương đối đầy đủ nhưng khi áp dụng, thực thi, lại không có sự rõ ràng, minh bạch.
Hay để thuận lợi xuất khẩu hàng hoá sang Nhật, ông Vũ Bá Phú lưu ý các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật. "Hàng hóa phải đảm bảo độ an toàn tuyệt đối khi sử dụng", ông nói.
Thị hiếu tiêu dùng của người Nhật cũng rất đặc thù. Nhiều sản phẩm dù đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng không hợp nên khó bán chạy. Ví dụ, thời trang công sở ở Nhật chuộng màu sắc giản dị, chủ yếu ba màu: xám, trắng, đen. Hay đồ gỗ mỹ nghệ xuất sang Nhật phải có kích cỡ nhỏ hơn hàng đi châu Âu, Mỹ... do đặc thù quy mô nhà cửa, văn phòng ở nước này. Hệ thống phân phối ở Nhật cũng phức tạp, nhiều tầng trung gian. Doanh nghiệp nước ngoài vì vậy khó bán hàng trực tiếp đến siêu thị, người tiêu dùng mà phải qua các đầu mối nhập khẩu.
Mặt khác, nhiều đại diện doanh nghiệp Nhật chung nhận xét, Nhật Bản là thị trường đặc thù, do vậy, để làm ăn, hợp tác, điều cần thiết là phải xây dựng một mối quan hệ mang tính tin tưởng giữa hai bên. Các công ty công ty Việt Nam phải có được sự tin tưởng tại Nhật Bản, và ngược lại.
"Hiểu biết về ngôn ngữ, văn hoá, tập quán kinh doanh của người Nhật là vô cùng quan trọng", ông Phú nhấn mạnh. Đơn cử cách trao danh thiếp, mang theo catalogue – gồm tiếng Nhật, Anh, đúng giờ hẹn... là những yếu tố không thể thiếu để tạo lòng tin từ lần gặp gỡ đầu tiên.
Ngoài ra, người Nhật hiện cũng quan tâm nhiều hơn đến mức giá sản phẩm và có sở thích nhập nhiều chủng loại hàng với số lượng nhỏ, thay vì lượng lớn như trước đây, vì vậy, để tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải vừa tăng năng suất, vừa giảm giá thành.