BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Quốc gia
Tiềm năng hợp tác đầu tư Việt Nam - Luxembourg
Thứ Tư, 26/03/2014 02:20
Tiềm năng hợp tác đầu tư Việt Nam - Luxembourg

Đầu tư của Luxembourg đứng thứ 19 trong 101 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và nguyện vọng của hai nước. Các lĩnh vực mà Luxembourg đầu tư vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực thông tin di động, xây dựng văn phòng, căn hộ, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm.

Về mặt địa lý, Luxembourg nằm ở trung tâm Tây Âu, đông giáp Đức, tây giáp Bỉ, nam giáp Pháp, bắc giáp Đức, với tổng diện tích 2.586 km2 và dân số 514.862 người. Đây là Đại công quốc duy nhất có chủ quyền trên thế giới.

Luxembourg là quốc gia tuy nhỏ những có nền kinh tế mở, lợi ích của Luxembourg gắn liền với lợi ích của EU. Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong EU với thu nhập GDP bình quân đầu người đạt trên 100.000 USD năm 2012, ở vị trí hàng đầu thế giới. Luxembourg rất phát triển trong các lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông,… Luxembourg là đầu mối quan trọng của các doanh nghiệp châu Á và Mỹ trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thâm hụt ngân sách hàng năm của Luxembourg không quá 3% GDP, nợ chính phủ không vượt quá 60% GDP.Giá trị trao đổi thương mại năm 2012 đạt 40 tỷ USD, chủ yếu với Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Trung Quốc,...

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Luxembourg năm 2012 đạt 32 triệu USD, giảm 12% so với năm 2011, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Luxembourg đạt 29 triệu USD, tăng 7%, nhập khẩu của Việt Nam từ Luxembouerg là 3 triệu USD, giảm 66% so với năm trước.

Về mặt hàng xuất khẩu, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ thép đạt 360 nghìn USD, mặt hàng thủy sản là 293 nghìn USD, mặt hàng giày dép đạt 215 nghìn USD, các mặt hàng khác chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 28 triệu USD (chủ yếu điện thoại và linh kiện).

Về mặt hàng nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Luxembourg năm 2012 bao gồm: nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 1,4 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 755 nghìn USD, sắt thép đạt 535 nghìn USD.

Trong Chiến lược hợp tác định hướng Việt Nam - Luxembourg giai đoạn 2011-2015, Chính phủ Luxembourg cam kết sẽ cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại (ODA) trị giá 42 triệu Euro hỗ trợ các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Chính phủ Việt Nam.

Đầu tư của Luxembourg đứng thứ 19 trong 101 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và nguyện vọng của hai nước. Các lĩnh vực mà Luxembourg đầu tư vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực thông tin di động, xây dựng văn phòng, căn hộ, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm. Địa bàn đầu tư của Luxembourg chưa đa dạng mà chủ yếu tập trung tại Hà Nội trong khi các tỉnh, thành phố khác có nhiều tiềm năng chưa được các nhà đầu tư Luxembourg tìm hiểu. 

Luxembourg là nước Công nghiệp phát triển, việc nâng cao dòng ĐTNN từ các nước Công nghiệp (trong đó có Luxembourg) vào Việt Nam là một trong những biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa của nước ta bởi nước này chiếm ưu thế trên cả 3 phương diện: công nghệ hiện đại, tiềm năng về vốn, chất lượng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Làm được điều đó, Việt Nam không những giải quyết được những yêu cầu bức xúc trong phát triển kinh tế một cách nhanh nhất mà còn có được những công trình hiện đại có chất lượng cao với chi phí thấp nhất. Vì vậy, trong quá trình đa phương hoá, đa dạng hoá hoạt động đối ngoại của nước ta, cần xác định Luxembourg là đối tác quan trọng của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Để tăng cường thu hút vốn đầu tư từ họ, cần: 

+ Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và đa dạng hoá các hình thức đầu tư, xoá bỏ các rào cản về quy hoạch, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất. 

+ Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Luxembourg để phía bạn hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam và nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam. Trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại tại Luxembourg giúp giới đầu tư kinh doanh của họ hiểu biết hơn về chính sách và cơ hội đầu tư tại Việt Nam

+ Hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện thuận lợi nhất cho các dự án hiện đang hoạt động tại Việt Nam; thông qua các dự án của Luxembourg đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam để quảng bá giới thiệu hình ảnh của Việt Nam cho các nhà đầu tư tiềm năng tại Luxembourg.

+ Mặc khác, trong thời gian tới cần khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Luxembourg thông qua đại diện ngoại giao tại Luxembourg bằng hình thức hội thảo, trao đổi thông tin của doanh nghiệp 2 nước hoặc tổ chức các đoàn doanh nghiệp hai nước đi khảo sát thị trường lẫn nhau.

+ Cần khuyến khích Luxembourg đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực mà Luxembourg có thế mạnh đặc biệt là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng chính sách kinh tế, tài chính./.

Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 537
Thông báo