BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 12/01/2025
Quốc gia
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV
Thứ Năm, 03/01/2013 02:41
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV

Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV đã kết thúc thành công với cuộc họp cấp cao Uỷ ban Đánh giá và Xúc tiến đã được tổ chức do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Chủ tịch Uỷ ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (KEIDANREN) đồng chủ trì ngày 23/11/2012


Thực hiện Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV được đại diện hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký ngày 01 tháng 7 năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan (Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giao thông và Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Nhà nước) và phía Nhật Bản tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động. Sau 18 tháng triển khai, ngày 23 tháng 11 năm 2012, cuộc họp cấp cao Uỷ ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV đã được tổ chức. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Chủ tịch Uỷ ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (KEIDANREN) đồng chủ trì. 

Tham dự cuộc họp có gần 100 đại biểu, trong đó 40 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành Trung ương; trên 50 đại biểu từ phía Nhật Bản, gồm đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Uỷ ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, JICA, JETRO, JBIC, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp Nhật Bản.

Kế hoạch hành động giai đoạn IV gồm 6 nhóm vấn đề với 28 hạng mục và 70 tiểu hạng mục liên quan đến một số vấn đề có tính trước mắt và dài hạn là:

(i) Điện lực (xây dựng và thực hiện Tổng sơ đồ điện 7, cơ chế bán lẻ điện, thiếu hụt điện, cơ chế mua điện từ trạm phát điện tư nhân);

(ii) Lao động (phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển KCN, quy định về tiền lương tối thiểu, cải thiện môi trường sống xung quanh KCN, quảng cáo tuyển dụng);

(iii) Ổn định kinh tế vĩ mô (quản lý ngoại hối);

(iv) Quy định luật pháp, chính sách liên quan tới thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư, môi trường...;

(v) An toàn vệ sinh thực phẩm/Bán lẻ;

(vi) Đầu tư cơ sở hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Trong quá trình triển khai Kế hoạch hành động, các Bộ, ngành liên quan của phía Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần 40 cuộc họp nhóm với phía Nhật Bản để trao đổi, thống nhất và đề xuất hướng xử lý các vấn đề nêu tại Kế hoạch hành động. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phía Nhật Bản cũng đã tổ chức 3 cuộc họp Đánh giá giữa kỳ vào tháng 12 năm 2011, tháng 7 và tháng 11 năm 2012 nhằm kiểm điểm và thúc đẩy tiến độ thực hiện các hạng mục trong Kế hoạch hành động. 

Theo kết quả đánh giá của Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, về cơ bản, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV đã đạt được các mục tiêu đề ra với 61/70 hạng mục cam kết đã thực hiện xong hoặc thực hiện đúng tiến độ. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn do tác động không thuận của kinh tế thế giới, cũng như những bất cập trong nội tại nền kinh tế, tại thời điểm hiện nay, việc cải thiện môi trường đầu tư trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết; đồng thời đánh giá cao cơ chế đối thoại chính sách trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Bên cạnh việc nêu các vấn đề cần giải quyết, phía Nhật Bản còn đồng hành với các cơ quan chính phủ Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư.

Về phần mình, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản hoan nghênh Chính phủ Việt Nam trong việc kiên trì cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cũng như sự nỗ lực của các cơ quan chính phủ của Việt Nam trong việc triển khai Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản qua các giai đoạn nói chung, giai đoạn IV nói riêng.

Phía Nhật Bản cũng cho rằng việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã có tác động lớn và nhiều mặt đến hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, thông qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng. 
Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong 4 giai đoạn, hai Bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác thực hiện giai đoạn V Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và phía Nhật Bản sẽ thảo luận nội dung cụ thể của Kế hoạch hành động, cũng như cách thức triển khai thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế đối thoại chính sách này. Dự kiến sẽ triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn V vào khoảng giữa năm 2013.

Số lượt đọc: 370
Thông báo