Xin ông cho biết Thương vụ
Việt Nam tại CHLB Đức đã làm được những công việc cụ thể gì nhằm thúc đẩy mối
quan hệ kinh tế giữa hai nước?
Cũng như các Thương vụ của
Việt Nam trên toàn thế giới, Thương vụ Việt Nam tại Đức ngoài việc thực hiện
các nhiệm vụ do Bộ và Cơ quan đại diện giao, thì còn có một nhiệm vụ rất quan
trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong kinh doanh với các doanh nghiệp
Đức, thể hiện cụ thể qua các họat động như tư vấn, cung cấp thông tin, giới
thiệu đối tác, điều tra doanh nghiệp, khai trương chi nhánh, hỗ trợ doanh
nghiệp trong tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, công nghiệp và đầu tư,
khai trương chi nhánh, hội nghị, hội thảo và hội chợ tại Đức.
Trong 6 tháng đầu năm
2012, Thương vụ đã phối hợp với Bộ Công thương và Đại sứ quán tổ
chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: “Hợp tác và Thành công” vào
ngày 30/5/2012 tại Khách sạn Andels Berlin (Đức) với sự tham dự của 30 doanh
nghiệp Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp việt kiều đang kinh doanh tại Đức. Tổ
chức Diễn đàn B2B xúc tiến xuất khẩu chiều 30/5/2012 tại Viethaus với khỏang 40
doanh nghiệp của Việt Nam và Đức. Từ 31/5/2012 đến 6/6/2012, Thương vụ và Vụ
Châu Âu Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tập đoàn Metro và nhiều công ty
của Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ hàng hóa Việt Nam trong 117 siêu thị
của Metro trên khắp nước Đức với mục tiêu trực tiếp đưa hàng của Việt Nam đến
tay người tiêu dùng Đức... đó là những bước đi ban đầu để mở đường cho hàng hóa
vào thị trường Đức nói riêng và thị trường EU nói chung một cách ổn định và có
hiệu quả. Rút kinh nghiệm để tiếp tục xúc tiến bán hàng của Việt Nam vào các
chuỗi siêu thị khác.
Trong năm, Thương vụ đã hỗ
trợ cho nhiều đoàn công tác từ Việt Nam sang Đức và từ Đức về Việt Nam, hỗ trợ
hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Đức trong các hoạt động hợp tác và kinh
doanh. Ngoài ra, Thương vụ còn tham gia trong nhiều hoạt động đối ngoại của Đại
sứ quán, góp phần thúc đẩy quan hệ về mọi mặt, nhất là quan hệ về kinh tế và
thương mại.
Đánh giá của ông về tiềm
năng kinh doanh của các DN Việt Nam tại thị trường Đức nói riêng và EU nói
chung là như thế nào?
Với kinh nghiệm nhiều năm
công tác tại địa bàn châu Âu tôi chỉ có thể nói một cách ngắn gọn là hàng hóa
của chúng ta muốn vào thị trường Đức nói riêng và thị trường EU nói chung thì
chất lượng vẫn là số 1. Sức tiêu thụ hàng tiêu dùng của người Đức lớn, ổn định và
đa dạng, hàng năm vào khoảng 550 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực
phẩm và hàng tiêu dùng còn rất lớn. Trong khi đó, hàng Việt Nam mới chỉ chiếm
0,2% nhu cầu nhập khẩu của thị trường. Do vậy, khả năng tăng trưởng xuất khẩu
vào thị trường Đức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn.
Hàng hoá nhập khẩu vào Đức
không chỉ phục vụ cho thị trường Đức mà còn tiếp tục được xuất khẩu sang 27
nước thành viên EU và các nước châu Âu khác. EU với 27 nước là một thị trường
lớn, với quy mô 500 triệu người tiêu dùng. Kim ngạch xuất khẩu của ta sang EU
mới chiếm khỏang 0,8% kim ngạch nhập khẩu của EU.
Vậy lời khuyên của ông
dành cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập sâu vào khu vực thị trường
nói trên là gì, thưa ông?
Những lưu ý chung đối với
các DN Việt Nam muốn làm ăn tại đây, đó là: Chính sách thương mại của Đức tuân
thủ nghiêm ngặt chính sách thương mại chung của EU, nhất là về quy định xuất
xứ, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an tòan thực phẩm, bảo vệ môi trường, các
biện pháp bảo hộ mậu dịch bằng hàng rào phi thuế quan, thuế chống bán phá giá,
thuế chống trợ cấp. Sức ép cạnh tranh trên thị trường Đức nói riêng và EU nói
chung ngày càng gay gắt trước các nguồn hàng dồi dào giá rẻ và chất lượng
từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thành viên mới của EU.
Doanh nghiệp Đức có tập
quán kinh doanh nghiêm túc, cẩn thận, làm ăn chắc chắn, khoa học, có tính chiến
lược và kế hoạch, họ thường chú trọng xây dựng quan hệ đối tác dài hạn, tôn
trọng pháp luật cùng với tính thực tế cao và coi trọng chữ tín, nên doanh nhân
Đức được đánh giá cao trong giới doanh nhân quốc tế. Do vậy các doanh nghiệp
Việt Nam nếu muốn làm ăn lâu dài và ổn định với các doanh nghiệp Đức phải nâng
cao năng lực, khả năng cạnh tranh và tính chuyên nghiệp trong giao thương quốc
tế, đặc biệt phải chú ý đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu, không có thương
hiệu hoặc thương hiệu không mạnh là nguyên nhân làm sản phẩm của chúng ta mất
lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Cộng đồng người Việt đang
sinh sống tại Đức có đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ kinh thế
hai nước? Những dự báo của ông về quan hệ kinh tế hai nước trong những năm tiếp
theo?
Hiện có khỏang 125.000
người Việt Nam đang sinh sống ở Đức, đây đang là một nguồn lực quan trọng trong
thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại. Mặc dù thương mại với Việt Nam chỉ chiếm
một phần nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của Đức, nhưng Đức luôn coi Việt
Nam là đối tác quan trọng, một thị trường tiềm năng với hơn 80 triệu dân. Việc
phát triển quan hệ với Việt Nam, một thành viên của ASEAN, sẽ là bước đột phá
để mở rộng vai trò và tầm ảnh hưởng của Đức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam và EU đã chính
thức ký kết Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), Liên hiệp châu
Âu đã khởi động đàm phán Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam, đây cũng là
những tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển quan hệ về mọi mặt giữa Việt Nam
và CHLB Đức trong các năm sắp tới.
Trân trọng cám ơn ông!
Thông
tin thêm:
Thương
vụ Việt Nam tại Đức
Ông
Nguyễn Thiện Bình
Chức
vụ: Tham tán Thương mại
Địa
chỉ: Rosa Luxemburg-Strasse 7, 10178 Berlin Bundesrepublik Deutschland
Điện
thoại: +49 30 229 8198
Fax: +49
30 229 1812
Điện
thoại di động:
+49
1747543907 (tham tán) hoặc +49 15201084870 (tùy viên)
Email:
de@moit.gov.vn hoặc binhngt@moit.gov.vn
(Theo Vietnam Economic News)