BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 12/01/2025
Quốc gia
Chia sẻ kinh nghiệm từ đoàn công tác XTĐT tại Thái Lan
Thứ Năm, 05/07/2012 03:17
Chia sẻ kinh nghiệm từ đoàn công tác XTĐT tại Thái Lan

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản của Quốc gia láng giềng Thái Lan, ngày 19 tháng 6 năm 2012, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với JICA (cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đã tổ chức cuộc họp “Chia sẻ kinh nghiệm từ đoàn công tác XTĐT tại Thái Lan” với sự tham gia của Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Bá Cường, các chuyên gia cố vấn cao cấp của JICA, đại biểu đại diện Uỷ Ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và một số nhà đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp.

Nội dung cuộc họp xoay quanh những kết quả thu được từ đoàn công tác học tập kinh nghiệm phát triển mô hình Khu công nghiệp (KCN) cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Nhật Bản tại Thái Lan đầu tháng 5 vừa qua do UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm XTĐT phía Bắc tổ chức. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Đại Sứ Quán Việt Nam tại Băng Cốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan (JCCB), Uỷ ban đầu tư Thái Lan (BOI), Văn phòng xúc tiến Doanh nghiệp (OSMEP), Cơ quan phát triển Công nghiệp hỗ trợ Thái Lan (BUILD), Cảng thông quan nội địa ICD- TIFA, một số KCN lớn như: Amata Nakorn, Ota techno Park; Hemaraj; Prospect;… nhằm tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế của Thái Lan và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển ngành CN hỗ trợ tại đây, đồng thời kêu gọi các Doanh nghiệp Nhật Bản và Thái Lan tới tìm hiểu và phát triển các cơ hội đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Mặc dù cùng xuất phát điểm là một nước nông nghiệp nhưng Thái Lan đã thể hiện sự chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá rất cao. Cơ sở hạ tầng của họ được xây dựng một cách hoàn thiện và đồng bộ. Nhận thức và mức sống của người dân Thái Lan cũng được đánh giá cao và họ đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ Thái lan cũng có các chiến lược khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ rất cụ thể và hiệu quả như: chính sách đất đai cải thiện; chính sách hỗ trợ và đơn giản hoá các thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài; vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà đầu tư được thực hiện rất tốt, việc cung ứng điện nước cũng như các dịch vụ tiện ích khác trong các KCN rất ổn định và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các Doanh nghiệp.

Cuộc họp cũng đã thảo luận về những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong việc thu hút các SMEs Nhật Bản, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, xu hướng ưu tiên đầu tư của DN Nhật Bản đang có thứ tự: Thái Lan – Indonesia - Ấn Độ - Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần phải tự cải thiện môi trường đầu tư ( cơ sở hạ tầng, pháp luật, nguồn nhân lực,…) hơn nữa thì mới trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản, cũng như các nhà đầu tư khác trong tương lai. Theo nhận xét của chuyên gia cao cấp JICA – ông Tsujio: “Các KCN ở Thái Lan rất rộng, cảnh quan sạch sẽ và quy hoạch rõ ràng. Phía Bắc Thái Lan là các KCN sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, phía Nam là các sân bay, cảng biển”.

 Các đại biểu tham dự cũng có ý kiến về việc tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác phải có định hướng phát triển cụ thể cho lĩnh vực CN hỗ trợ và tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư thâ%3ḅt tốt thông qua củng cố và xây dựng các KCN đạt chuẩn, phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là các SMEs, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thể tiến hành đi vào sản xuất, kinh doanh ngay khi họ đặt địa điểm tại các KCN. Các địa phương cũng cần chú trọng tới việc tạo ra những nét đặc trưng, đặc thù riêng của từng KCN trên địa bàn tỉnh mình. Bên cạnh đó, có thể kêu gọi các nhà kinh doanh hạ tầng lớn của Nhật Bản và Thái Lan đến đầu tư xây dựng các KCN đồng bộ trên địa bản tỉnh nhà.

          Về phía cơ quan nhà nước, cũng phải xem xét việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, ổn định, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có thể yên tâm tham gia sản xuất, đồng thời thúc đẩy sức cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi sản xuất của cả khu vực. Mặt khác, các Cơ quan quản lý này cũng phải xác định mục tiêu là hỗ trợ, hướng dẫn cho các nhà đầu tư chứ không chỉ là quản lý và điều hành các hoạt động đầu tư sản xuất. Đó cũng chính là ý kiến của các chuyên gia tư vấn Nhật Bản trong việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư từ các SMEs Nhật Bản vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt nam. Dự kiến trong thời gian tới, biến động chính trị có thể xảy ra tại Hoàng gia Thái Lan cũng có thể là một lý do để các nhà đầu tư tại đây di chuyển nguồn vốn ra khỏi khu vực này và tìm đến một địa điểm mới, vì vậy Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư này.

          Trong thời gian tới, Trung tâm XTĐT phía Bắc, Cục ĐTNN và tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội tổ chức quốc tế, các ĐSQ, Lãnh sự quán của Việt Nam tại các nước để triển khai thúc đẩy các chương trình XTĐT công nghiệp hỗ trợ tại các quốc gia và khu vực này. Đồng thời, tiến hành vận động đầu tư trực tiếp theo hình thức mới, song song với việc tổ chức các chuyến khảo sát, cần tiếp cận với các Hiệp hội, tổ chức SMEs hoặc đến tại các trung tâm phát triển CN hỗ trợ của các nước như Nhật Bản (Saitama, Aichi,…) và Thái Lan (Băng Cốc, Chonburi,…) để vận động trực tiếp kêu gọi đầu tư.

          Kết thúc buổi họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Bá Cường đã kết luận chương trình làm việc mang lại rất nhiều thông tin bổ ích cho các bên. Trên cơ sở đó, Cục ĐTNN sẽ xem xét và dự thảo việc thay đổi các chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các Doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

  

Số lượt đọc: 292
Thông báo