Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm chính thức Myanmar
Tại Hội nghị trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn mong muốn doanh nghiệp của Việt nam và Myanmar không chỉ là những đối tác thân thiện, tin cậy mà còn trở thành những người bạn thân thiết sẵn sàng chung tay đối phó với thách thức và chia sẻ thành công. Mỗi doanh nhân Việt Nam khi đầu tư kinh doanh ở Myanmar sẽ trở thành Đại sứ kinh tế không chỉ thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại song phương mà còn giới thiệu về đất nước con người Việt Nam, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp cả về chiều rộng và chiều sâu, không chỉ trên phương diện chính trị, ngoại giao, văn hóa mà còn cả lĩnh vực thương mại, du lịch và đầu tư. Chính phủ Việt Nam quyết tâm thúc đẩy và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nói chung và tại Myanmar nói riêng.
Tham dự Hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam có lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thon, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính Bộ Công an và các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Myanmar. Dự kiến tham dự Hội nghị này có khoảng 200 khách mời, trong đó phía Việt Nam sẽ có khoảng 130 đại biểu, phía Myanmar sẽ có khoảng 70 đại biểu tham dự.
Hội nghị này sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào một số lĩnh vực mà Myanmar giàu tiềm năng và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt như lĩnh vực Nông-lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, khai khoáng, xây dựng hạ tầng, cũng như các ngành dịch vụ, tài chính – ngân hàng, bưu điện – viễn thông... Đây cũng là các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Cũng trong Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam với dự án thăm do và khai thác dầu khí lô M2 liên doanh với Xí nghiệp dầu khí Myanmar.
Hội nghị tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các thông tin mới nhất về cơ chế chính sách, các dự án tiềm năng của Myanmar đang kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cũng như được lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền của hai nước giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc kinh doanh, đầu tư tại Myanmar
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát và xin cấp phép đầu tư một số dự án tại Myanmar. Điển hình là dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự án khai thác đá trắng của Công ty Simco Sông Đà; dự án xin thiết lập mạng viễn thông di động của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, dự án trồng cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam...
Ngoài Hội nghị tổng kết 1 năm xúc tiến đầu tư Việt Nam – Myanmar, Đoàn Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động khác tại Myanmar tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Myanmar tại Yangon, gặp gỡ trao đổi song phương giữa các Bộ ngành và doanh nghiệp hai nước để xem xét và ký kết nhiều thỏa thuận và biên bản ghi nhớ về xúc tiến đầu tư, chăn nuôi, tài chính –ngân hàng, .… Đây là cơ hội để hai nước có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần đem lại lợi nhuận cho cả hai quốc gia.