BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
Hơn 7,4 tỷ USD vốn FDI từ Nhật Bản “rót” vào TP.HCM trong 20 năm qua
Thứ Tư, 15/12/2021 05:08
Hơn 7,4 tỷ USD vốn FDI từ Nhật Bản “rót” vào TP.HCM trong 20 năm qua

Từ lúc đầu chỉ có 69 dự án vốn FDI phía Nhật Bản đầu tư vào TP.HCM, sau 20 năm, số lượng dự án tăng 46,6 lần lên con số 3.218 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 7,4 tỷ USD…

Hiện Nhật Bản là nước tài trợ vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) lớn nhất, là nhà đầu tư lớn thứ 02 và là đối tác thương mại lớn thứ 04 của Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 02/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 63,94 tỷ USD.

Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án.

Tại sự kiện “Kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản tại TP.HCM” diễn ra vào ngày 14/12/2021, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực vào năm 2009, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển thương mại giữa hai quốc gia.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành động lực, tạo ra cú hích cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản vào TP.HCM là 3.218  dự án (bao gồm 1.479 dự án đầu tư trực tiếp và 1.739 trường hợp đầu tư gián tiếp thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần).

Tổng vốn đầu tư đạt gần 7,42 tỉ USD (chiếm tỷ lệ 10,4% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố), đứng vị trí thứ 04/116 quốc gia/vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn.

Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; Kinh doanh bất động sản; Vận tải kho bãi; Thông tin và truyền thông; Xây dựng; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Giáo dục và đào tạo…

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết kể từ ngày 28/9/1998, khi Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM được thành lập, chỉ có 69 dự án thời gian đầu. Đến tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản là 3.218, tăng 46,6 lần so với năm 1998.

Theo ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) tại TP.HCM, thành phố có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung. Đơn cử như, đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, TP.HCM cung cấp nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nền chính trị ổn định và gần gũi với  đất nước Nhật Bản. Số lượng hội viên của JCCH cũng đã vượt 1.000 doanh nghiệp vào năm 2019 và xếp thứ 03 trong số các Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài, sau Thượng Hải và Bangkok.

Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục loại bỏ các yếu tố gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp, thúc đẩy tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ông Võ Văn Hoan cho rằng, các cơ quan chính quyền TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư từ Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững…

Theo vneconomy.vn
Số lượt đọc: 3708
Thông báo