BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 26/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
Việt Nam và Pháp còn rất nhiều triển vọng hợp tác kinh tế
Thứ Tư, 17/12/2014 04:31
Việt Nam và Pháp còn rất nhiều triển vọng hợp tác kinh tế

Một hội thảo mang tên “Kinh tế Việt Nam và Pháp: Kết quả năm 2014 và triển vọng năm 2015” với sự tham dự của nhiều học giả và chuyên gia kinh tế người Việt Nam và Pháp vừa đượcThương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức.

Hội thảo với mục đích để các học giả và chuyên gia đưa ra những đánh giá về kết quả năm 2014 và triển vọng kinh tế 2015, đồng thời đề xuất các chính sách, cơ chế nhằm giúp Việt Nam và Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tạo thuận lợi cho việc trao đổi và hợp tác về kinh tế giữa hai nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí cho rằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Pháp chưa tương xứng với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt là mối quan hệ đối tác chiến lược được xác định kể từ tháng 9/2013.

Trao đổi kinh tế giữa hai nước mặc dù đã thu được một số kết quả nhất định, song nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác.

Pháp hiện là nhà tài trợ châu Âu lớn nhất của Việt Nam và là nhà tài trợ song phương đứng thứ ba về viện trợ phát triển chính thức.

Năm 2015, kinh tế Việt Nam được dự đoán có khả năng phục hồi cao hơn do Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nhận định triển vọng xuất khẩu năm 2015 sẽ thuận lợi hơn nếu như Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký được Hiệp định Thương mại tự do.

Hiện tại, cả hai phía đều đang nỗ lực nhằm thống nhất các điểm, vòng đàm phán cuối cùng dự kiến diễn ra vào tháng 3/2015. Nếu hiệp định được ký kết thì rất nhiều mặt hàng của hai bên sẽ được hưởng ưu đãi trong việc tiếp cận thị trường như giảm thuế.

Các cam kết về đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến kích các doanh nghiệp Việt Nam và EU, trong đó có các doanh nghiệp Pháp tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư.

Trong năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp tăng nhẹ trong khi xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam tăng không đáng kể. Nguyên nhân là các doanh nghiệp Pháp gặp nhiều khó khăn do chưa thoát khỏi khủng hoảng và chưa có chiến lược phù hợp trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam.

Ông Bruno Rigal, phụ trách Bộ phận tư vấn cho doanh nghiệp tại ngân hàng Natixis trong lĩnh vực huy động và tái cấu trúc vốn cho biết trước đây một số doanh nghiệp Pháp đã sai lầm khi không nhận thấy các cơ hội và tiềm năng tại thị trường mới nổi như Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Pháp đã đánh mất cơ hội khi tập trung vào thị trường châu Âu và các nước láng giềng trong khi xét về tổng thể thì nên kinh tế châu Âu bị trì trệ trong thời gian dài và những năm qua lại bị tác động mạnh bởi khủng hoảng khó có thể tạo ra lợi nhuận.

Đề cập đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, ông Bruno Rigal dẫn nguồn Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, trong 25 năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 218 tỷ USD, riêng chín tháng đầu năm 2014, Việt Nam thu hút 11,2 tỷ USD, điều đó chứng tỏ Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Jacques Faurvel, cố vấn pháp lý cho tập đoàn phân phối bán lẻ Casino-tập đoàn đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam, cho biết siêu thị Big C đầu tiên đã được khai trương năm 1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tập đoàn Casino đã có tổng cộng 30 siêu thị tại Việt Nam, sử dụng gần 9.000 nhân viên trong đó chỉ có khoảng 20 nhân viên người Pháp.

Tập đoàn Casino luôn nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các địa phương Việt Nam khi làm việc về vấn đề mở rộng đầu tư. “Thành công của chúng tôi cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài luôn có thể tìm thấy cơ hội và chỗ đứng của mình tại Việt Nam,” ông nói.

Ông Jean-Phillipe Eglinger, giám đốc công ty “Việt-Pháp Stratégies” cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp trong các lĩnh vực nông sản-thực phẩm, y tế-dược phẩm, xử lý chất thải..., có thể thành công khi liên kết với các đối tác Việt Nam có quy mô sản xuất phù hợp.

Theo ông, đây là cách làm hiệu quả vì các đối tác Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp Pháp xác định rõ đâu là nhu cầu của Việt Nam, ngược lại, các doanh nghiệp Pháp sẽ giúp các đối tác Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách bổ sung các giá trị gia tăng để có thể tiếp cận các thị trường khác ở châu Á.

Ông cũng cho biết thêm là hiện đang tư vấn cho một số công ty của Việt Nam muốn đầu tư vào Pháp. Theo ông, triển vọng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pháp là rất sáng sủa vì hai nên kinh tế có thể bổ sung cho nhau.

Ông Jean-Phillipe Eglinge cũng bày tỏ quan điểm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nhằm tạo ra thương hiệu của sản phẩm của mình đối với các sản phẩm có thế mạnh như chè, càphê, hạt điều...

Kết luận buổi hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế mỗi nước và toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp cần phát huy sự năng động, sáng tạo, đồng thời kiên trì, chịu khó dựa trên những cơ chế hỗ trợ sẵn có của hai nước như Cơ quan xúc tiến thương mại Pháp (UBI FRANCE) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, nhằm tận dụng mọi kinh nghiệm và hiểu biết, vượt qua các lực cản, tìm ra các cơ hội đầu tư để đạt được thành công./.

Số lượt đọc: 420
Thông báo