BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Chính sách đầu tư vào
Định hướng và giải pháp tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới
Thứ Năm, 20/10/2022 03:02

Năm 2022 đánh dấu 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là năm mở ra giai đoạn phát triển mới của hai nước với nhiều mục tiêu và thành tựu to lớn.

Quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, được vun đắp bằng tình hữu nghị và những nỗ lực chung của Nhà nước và nhân dân hai nước. Năm 2022 đánh dấu 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là năm mở ra giai đoạn phát triển mới của hai nước với nhiều mục tiêu và thành tựu to lớn hơn. Hai nước đã trở thành đối tác rất quan trọng của nhau, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác đầu tư Hai nước đang xem xét nâng cấp quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” hiện nay lên tầm cao mới, xứng đáng với sự tin cậy, với quan hệ và tiềm năng hợp tác của hai nước.

Những nét nổi bật trong quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc

Hàn Quốc là đối tác ĐTNN lớn nhất của Việt Nam với gần 9.500 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 80,6 tỷ USD (chiếm 18,5%). Năm 2021, mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, nhưng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đạt gần 5 tỷ USD và trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 3,9 tỷ USD. Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, hoạt động kinh doanh bất động sản, logistic, xây dựng,.... Đây đều là các lĩnh vực phù hợp với chiến lược thu hút ĐTNN của Việt Nam.

Các dự án của Hàn Quốc thường có quy mô lớn, tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Các dự án quy mô lớn gần đây mà Samsung, LG, Posco, Hyundai, Lotte, SK… đã đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD. Đặc biệt, hai dự án gần đây vào lĩnh vực bán dẫn của Amkor Technology và Hanamicron với tổng vốn đầu tư cam kết gần 3 tỷ USD sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái bán dẫn và khi đi vào hoạt động sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ bán dẫn toàn cầu. Các nhà đầu tư Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư nghiêm túc, tuân thủ pháp luật, quyết định đầu tư nhanh, quan tâm đến đời sống của người lao động và chia sẻ trách nhiệm xã hội, đặc biệt trong giai đoạn COVID vừa qua, doanh nghiệp Hàn Quốc dù đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn, để duy trì sản xuất kinh doanh và có đóng góp rất ý nghĩa vào quỹ vắc xin.

Về hợp tác phát triển, Việt Nam là đối tác hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (chiếm khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Trong những năm gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 500 triệu USD, trong đó khoảng 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại, chủ yếu được ưu tiên cho những lĩnh vực: hạ tầng giao thông, đô thị; y tế; giáo dục, đào tạo; môi trường; năng lượng sạch, công nghệ thông tin… Tính đến hết năm 2020, Hàn Quốc đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 3,75 tỷ USD vốn vay ODA, và hiện nay còn 22 dự án đang triển khai sử dụng vốn vay ODA với tổng giá trị vốn vay khoảng gần 1,3 tỷ USD.

Về đầu tư của Việt Nam sang Hàn Quốc, hiện Việt Nam đã có 63 dự án đầu tư sang Hàn Quốc với vốn đầu tư đăng ký hơn 30 triệu USD, đứng thứ 34/79 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Các dự án có quy mô vốn nhỏ, chủ yếu trên lĩnh vực khoa học công nghệ, phát triển phần mềm, công nghiệp chế biến chế tạo và thương mại…

Thuận lợi, khó khăn trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Cụ thể là:

Thứ nhất, quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp, đang tiếp tục được củng cố và phát triển. Hai nước có các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao và giữa các bộ, ngành, địa phương để trao đổi, mở rộng hợp tác về nhiều mặt.

Thứ hai, chính phủ hai nước luôn hỗ trợ, ủng hộ mạnh mẽ, tạo điều kiện, thúc đẩy mối quan hệ đầu tư song phương. Đặc biệt trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn;

Thứ ba, doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tin tưởng đối với quyết sách của Chính phủ Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai, có ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam;

Thứ tư, môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện mạnh mẽ theo hướng thuận lợi, phù hợp với những biến động của kinh tế toàn cầu, tạo môi trường cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc về chính sách để thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Thứ năm, nền kinh tế hai nước có mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ cho nhau, các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh cũng là lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư.

Tuy có nhiều điểm thuận lợi nêu trên nhưng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Hàn Quốc vẫn còn đối mặt với một số tồn tại như: vấn đề hạ tầng, nhân lực chất lượng cao, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng ..

Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng trong thời gian qua, Đảng, nhà nước đã ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách nhằm giải quyết các khó khăn để doanh nghiệp ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, UNCTAD đã đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia hấp dẫn thu hút FDI hàng đầu thế giới. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới). Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P và Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức triển vọng tích cực lên mức triển vọng ổn định. Theo khảo sát nhanh gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022, cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như sau:(1) Trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao; (2) 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ ở mức trung bình và cao.

 Định hướng, giải pháp thời gian tới

Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam theo hướng thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, có sự lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Với định hướng nêu trên thì Việt Nam và Hàn Quốc còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để hợp tác bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia, cũng như nhịp chuyển động mạnh mẽ của thời đại CMCN 4.0, của liên kết, hội nhập sâu rộng, với các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), RCEP. Trong làn sóng FDI vào Việt Anh hiện nay thì Việt Nam đang có những chuẩn bị để đón làn sóng này, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc: chuẩn bị đất KCN; phát triển nguồn nhân lực; rà soát lại năng lượng; phát triển công nghiệp phụ trợ; cải thiện môi trường đầu tư; thành lập tổ công tác để hỗ trợ các nhà đầu tư. Để góp phần phát triển nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, tôi xin đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như sau:

(1) Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như: (i) công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; (ii) kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số; (iii) năng lượng sạch, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao; (iv) các khu công nghiệp xanh.

(2) Hai nước cũng sẽ phối hợp đẩy mạnh liên kết kinh tế trong khu vực, phát huy hiệu quả của Hiệp định VKFTA, đưa Hiệp định RCEP đi vào triển khai hiệu quả.

(3) Hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối kinh doanh, đặc biệt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường chuyển giao công nghệ, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

(4) Về phía Việt Nam, sẽ nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư của Hàn Quốc, tháo gỡ khó khăn và rút ngắn thời gian xem xét gia nhập thị trường để triển khai kinh doanh có hiệu quả.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 2073
Tin khác
Thông báo