BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi số
Thứ Hai, 15/08/2022 03:01

Sau 35 năm thu hút FDI, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực ĐTNN) đã trở thành một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, liên tục có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Sau 35 năm thu hút FDI, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực ĐTNN) đã trở thành một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, liên tục có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Tính đến tháng 9 năm 2022, Việt Nam có 35.725 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 431,5 tỷ USD đến từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án ĐTNN đã có mặt ở cả 63 địa phương của cả nước, trong đó chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 59,4% tổng vốn đăng ký. Khu vực ĐTNN đóng góp khoảng 23% GDP và hơn 20% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 50% sản lượng công nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, khu vực ĐTNN cũng tác động lan tỏa cho sự phát triển của khu vực trong nước, đóng góp cho an sinh, xã hội, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, góp phần phát triển nền kinh tế địa phương nơi tiếp nhận đầu tư và của cả nước.

Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam

Trước bối cảnh nền kinh tế - chính trị toàn cầu đã và đang đứng trước nhiều biến động, thách thức khó lường, Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn với những lợi thế như sau:

Thứ nhất, Việt Nam có tình hình kinh tế chính trị xã hội ổn định và đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong giai đoạn vừa qua khi thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và duy trì phát triển kinh tế. Xuyên suốt giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch trong những năm 2020-2021, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương, kiểm soát tốt lạm phát và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 9 tháng đầu năm 2022 Việt Nam đã tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực với mức tăng trưởng GDP 8,83% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số CPI và lạm phát cơ bản chỉ tăng ở mức trong tầm kiểm soát, đạt lần lượt 2,73% và 1,88% so với cùng kỳ năm 2021. Vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP. Trong đó, chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, trong khi các tổ chức như Moody’s và S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức “ổn định” và “tích cực”.

Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, trung tâm trong khu vực, chỉ từ 3-5 giờ bay có thể kết nối với các nền kinh tế năng động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xing-ga-po. Đồng thời, hạ tầng sản xuất, xuất – nhập khẩu ngày càng phát triển đã giúp Việt Nam đáp ứng được đủ các chỉ tiêu để các hãng vận chuyển lớn mở các tuyến hàng hoá kết nối với các cảng biển, trung tâm logistics lớn trong khu vực.

Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết nối với hơn 2/3 dân số và ¾ thị trường tiêu dùng của thế giới. Bên cạnh đó, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số được Ngân hàng thế giới dự báo sẽ đạt 50% vào năm 2030 đã góp phần tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung. Đây là nền tảng quan trọng kết nối Việt Nam với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, và đồng thời cũng là lợi thế cạnh tranh về thu hút FDI so với các nước trong khu vực.

Thứ, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và có chi phí cạnh tranh. Theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năng lực đào tạo của toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 04 Vùng kinh tế trọng điểm đạt 2,3 triệu người/năm, trong đó năng lực đào tạo cho nhóm ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao đạt bình quân khoảng 372 ngàn người/năm.

Thứ năm, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời xây dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ sáu, cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển,…; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hướng đến hoàn thiện trước năm 2025 nhằm tạo động lực mang tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cho giai đoạn tới.

Thứ bảy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi thể hiện sự quan tâm, đồng hành và quyết liệt của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022, trên 90% doanh nghiệp đang ghi nhận hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư[1] trong năm 2023. Đồng thời, 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vắc – xin Covid…) ở mức trung bình và cao; trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: (i) miễn, giảm thuế VAT; (ii) chính sách về bình ổn giá xăng dầu; (iii) cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; (iv) chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…

          Những con số thống kê nêu trên thể hiện rõ tiềm năng cũng như sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

 

Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

 

Việc thu hút FDI trong những năm gần đây đã có những điều chỉnh mạnh mẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50- NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đã chuyển từ thu hút đầu tư bằng mọi giá sang thu hút FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đây là định hướng mang tính chiến lược sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp để duy trì thu hút FDI, đồng thời đảm bảo được lợi ích quốc gia trong phát triển kinh tế xanh, bền vững. Theo đó, để thực hiện mục tiêu thu hút FDI “xanh” và thúc đẩy chuyển đổi số, trong thời gian tới Việt Nam cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ĐTNN phù hợp với xu hướng toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, và các ngành, lĩnh vực kinh tế mới; đồng thời tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, có chiến lược phát triển kinh tế phù hợp, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, phát triển dịch vụ và lao động nhằm tạo dựng niềm tin đối với các nhà ĐTNN.

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút những dự án đầu tư chiến lược trong lĩnh vực kinh tế xanh, chuyển đổi số như: (i) thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, địa phương; (ii) rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; (iii) rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, đặc biệt là những dự án sử dụng năng lượng tái tạo; (iv) hình thành hành lang pháp lý để phát triển các ngành, lĩnh vực mới, và (v) có các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thứ tư, thực hiện các hoạt động XTĐT có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, có năng lực tài chính tốt, đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Chủ động nghiên cứu các xu hướng, hình thức đầu tư mới, tăng cường quản lý đối với hoạt động đầu tư theo hình thức phi truyền thống, đầu tư qua không gian mạng.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, hệ thống thương vụ tại nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng đang quan tâm đến Việt Nam nhằm chủ động tiếp cận, trao đổi, kêu gọi đầu tư.

Thứ sáu, hỗ trợ, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp ĐTNN trong đào tạo và tuyển dụng lao động, tránh tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, địa phương. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo rằng lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao vừa có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ bảy, thúc đẩy chuyển đổi số ở mọi ngành, lĩnh vực, khu vực của nền kinh tế. Đối với khu vực công, thúc đẩy chuyển đổi số cần tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ công, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tăng cường sự hiểu biết của người dân về công nghệ thông tin nói chung và hoạt động chuyển đổi số nói riêng. Đối với khu vực tư nhân, cần tập trung vào những chính sách phù hợp để hỗ trợ, phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số...; đồng thời tăng cường vai trò của nhà nước trong tổ chức liên kết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản lý các định chế tài chính mới, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ tám, đảm bảo thu hút FDI phải phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch của từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút FDI cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, đặt chủ quyền quốc gia lên hàng đầu./.



[1] Trong đó, 7% đầu tư trên 100 triệu USD, 20% đầu tư từ 10-100 triệu USD và 39% đầu tư dưới 10 triệu USD

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 2595
Tin khác
Thông báo