BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành “Dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ có liên quan khác”
Thứ Năm, 16/09/2021 11:14
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành “Dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ có liên quan khác”

Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực “Dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ có liên quan khác” thì cần phải đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường như sau:

     I.   Bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm

a) Bảo hiểm gốc (Bảo hiểm nhân thọ, trừ bảo hiểm y tế; Bảo hiểm phi nhân thọ)

b) Tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm

c) Trung gian bảo hiểm (như môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm)

d) Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (như tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường)

Điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường:

1. WTO, VJEPA, VKFTA, CPTPP: Không hạn chế, ngoại trừ:

Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ, căn cứ vào các quy định quản lý thận trọng.

2. EVFTA: Không hạn chế, ngoại trừ các quy định trong cam kết chung.

- Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ.

- Chi nhánh của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài được phép thành lập sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.

- Để đảm bảo hơn, điều này sẽ căn cứ vào các quy định quản lý thận trọng.

3. Pháp luật Việt Nam:

3.1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm

(Bao gồm: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm.)

a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế: Không quy định hạn chế.

b) Hình thức đầu tư: Theo quy định tại Điều 105 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010).

c) Phạm vi hoạt động đầu tư: Theo quy định tại Điều 60 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luât Kinh doanh bảo hiểm năm 2010) và Điều 37 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.

d) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư:

- Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 106 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luât Kinh doanh bảo hiểm năm 2010).

- Đối với thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm: Điều 7 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP).

- Đối với thành lập công ty cổ phần bảo hiểm: Không quy định điều kiện riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

đ) Điều kiện khác: Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ.

3.2. Điều kiện thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế: Không hạn chế.

b) Hình thức đầu tư: hoạt động theo quy định tại Điều 105 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010).

c) Phạm vi hoạt động đầu tư: hoạt động môi giới bảo hiểm bao gồm: Điều 90 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

d) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư:

- Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 106 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luât Kinh doanh bảo hiểm năm 2010).

- Tổ chức nước ngoài góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6, Điều 9 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.đ) Điều kiện khác.

3.3. Điều kiện thành lập chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

a) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.

b) Điều kiện khác: Mức vốn pháp định của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài:

- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi) và bảo hiểm sức khỏe: 200 tỷ đồng Việt Nam;

- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 250 tỷ đồng Việt Nam;

- Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam.

 

  II.   Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác

(a) Nhận tiền gửi và các khoản phải trả khác từ công chúng

(b) Cho vay dưới tất cả các hình thức, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng cầm cố thế chấp, bao thanh toán và tài trợ giao dịch thương mại

(c) Thuê mua tài chính

(d) Mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng

(e) Bảo lãnh và cam kết

(f) Kinh doanh trên tài khoản của mình hoặc của khách hàng, tại sở giao dịch, trên thị trường giao dịch thoả thuận hoặc bằng cách khác như: Công cụ thị trường tiền tệ (bao gồm séc, hối phiếu, chứng chỉ tiền gửi); Ngoại hối; Các công cụ tỷ giá và lãi suất, bao gồm các sản phẩm như hợp đồng hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn; Vàng khối

(h) Môi giới tiền tệ

(i) Quản lý tài sản, như quản lý tiền mặt hoặc danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lý đầu tư tập thể, quản lý quỹ hưu trí, các dịch vụ lưu ký và tín thác.

(j) Các dịch vụ thanh toán và bù trừ tài sản tài chính, bao gồm chứng khoán, các sản phẩm phái sinh và các công cụ chuyển nhượng khác.

(k) Cung cấp và chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính cũng như các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác.

(l) Các dịch vụ tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác đối với tất cả các hoạt động được nêu từ các tiểu mục (a) đến (k), kể cả tham chiếu và phân tích tín dụng, nghiên cứu và tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại và về tái cơ cấu và chiến lược doanh nghiệp.

Điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường:

Các cam kết về dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác được thực hiện phù hợp với các luật lệ và các quy định liên quan được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để đảm bảo sự phù hợp với Điều VI của GATS và Đoạn 2 (a) của Phụ lục về các Dịch vụ tài chính.

Theo quy định chung và trên cơ sở không phân biệt đối xử, việc cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ ngân hàng và tài chính khác phải tuân theo các yêu cầu về hình thức pháp lý và thể chế liên quan.

1. WTO, AFAS, VJEPA, VKFTA, EVFTA: Không hạn chế, ngoại trừ:

a) Các tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức sau:

(i) Đối với các ngân hàng thương mại nước ngoài: văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, ngân hàng thương mại liên doanh trong đó phần góp vốn của bên nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty tài chính liên doanh và công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài và kể từ ngày 1/4/2007 được phép thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài.

(ii) Đối với các công ty tài chính nước ngoài: văn phòng đại diện, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh và công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài.

(iii) Đối với các công ty cho thuê tài chính nước ngoài: văn phòng đại diện, công ty cho thuê tài chính liên doanh và công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài.

b) Tham gia cổ phần:

(i) Việt Nam có thể hạn chế việc tham gia cổ phần của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại quốc doanh của Việt Nam được cổ phần hoá như mức tham gia cổ phần của các ngân hàng Việt Nam.

(ii) Đối với việc tham gia góp vốn dưới hình thức mua cổ phần, tổng số cổ phần do các thể nhân và pháp nhân nước ngoài nắm giữ tại mỗi ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam không được vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng, trừ khi luật pháp Việt Nam có quy định khác hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt nam.

c) Chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài:

- Không được phép mở các điểm giao dịch khác ngoài trụ sở chi nhánh của mình.

d) Kể từ khi gia nhập, các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở đối xử quốc gia.

đ) Điều kiện khác đối với WTO, AFAS, VJEPA, VKFTA:

- Điều kiện để thành lập một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam: ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản có trên 20 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm trước thời điểm xin phép.

- Điều kiện để thành lập một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam: ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản có trên 20 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm trước thời điểm xin phép.

- Điều kiện để thành lập công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài hoặc công ty cho thuê tài chính liên doanh: tổ chức tín dụng nước ngoài phải có tổng tài sản trên 10 tỷ đô la vào cuối năm trước thời điểm xin phép.

- Chỉ những cá nhân có quốc tịch Việt Nam mới được phép là cổ đông sáng lập của ngân hàng thương mại cổ phần.

2. CPTPP: Phụ lục III Dịch vụ Tài chính: III-VN-6 đến III-VN-12; III-VN-16 đến III-VN-20

3. Pháp luật Việt Nam:

3.1. Mức vốn pháp định của chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 86/2019/NĐ-CP.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định số 86/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành phải bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định tại Điều 2 Nghị định này kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3.2. Điều kiện mua cổ phần tại tổ chức tín dụng cổ phần

a) Tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 7 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP

b) Hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 6 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP.

c) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư:

- Điều kiện đối với tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam trở lên quy định tại Điều 9 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP;

- Điều kiện đối với tổ chức nước ngoài mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài quy định tại Điều 10 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP.

d) Điều kiện khác:

- Nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 14 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP

- Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến quá trình cổ phần hóa của các ngân hàng thương mại nhà nước và tái cơ cấu tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

3.3. Điều kiện về tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP.

3.4. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

3.5. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

3.6. Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

 

III.      IIIDịch vụ tài chính do các tổ chức phi tài chính cung cấp, ngoại trừ việc cung cấp và chuyển giao các thông tin tài chính và dịch vụ tư vấn tài chính

Điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường:

CPTPP:

a) Phụ lục NCM I-VN-28: Dịch vụ tài chính do các tổ chức phi tài chính cung cấp, ngoại trừ việc cung cấp và chuyển giao các thông tin tài chính và dịch vụ tư vấn tài chính

Tất cả các biện pháp không tương thích hiện hành ở cấp trung ương và cấp vùng.

b) Phụ lục III Dịch vụ tài chính: III-VN-17 đến NCM-III-VN-19

IV.   Dịch vụ chứng khoán

(f) Giao dịch cho tài khoản của mình hoặc tài khoản của khách hàng tại sở giao dịch chứng khoán, thị trường giao dịch trực tiếp (OTC) hay các thị trường khác những sản phẩm sau: Các công cụ phái sinh, bao gồm cả hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền lựa chọn; Các chứng khoán có thể chuyển nhượng; Các công cụ có thể chuyển nhượng khác và các tài sản tài chính, trừ vàng khối.

(g) Tham gia vào các đợt phát hành mọi loại chứng khoán, bao gồm bảo lãnh phát hành, và làm đại lý bán (chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng), cung cấp các dịch vụ liên quan đến các đợt phát hành đó.

(i) Quản lý tài sản như quản lý danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lý đầu tư tập thể, quản lý quỹ hưu trí, các dịch vụ lưu ký và tín thác.

(j) Các dịch vụ thanh toán và thanh toán bù trừ chứng khoán, các công cụ phái sinh và các sản phẩm liên quan đến chứng khoán khác.

(k) Cung cấp và chuyển thông tin tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán.

(l) Tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, ngoại trừ các hoạt động tại tiểu mục (f), bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty (Đối với các dịch vụ khác tại tiểu mục (l), tham chiếu tiểu mục (l) trong phần cam kết về dịch vụ ngân hàng).

Điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường:

1. WTO, VJEPA, VKFTA, EVFTA:

Cho phép thành lập doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các dịch vụ từ C(i) tới C(l), cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh.

2. CPTPP:

Phụ lục III Dịch vụ tài chính: III-VN-15; III-VN-17 đến III-VN-19; III-VN-24 đến III-VN-27.

3. Pháp luật Việt Nam:

3.1. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán

a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế:

Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định tại Điều 77 Luật Chứng khoán năm 2019.

b) Hình thức đầu tư: Mua cổ phần, phần vốn góp, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp).

c) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư:

Tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Chứng khoán năm 2019.

d) Điều kiện khác:

- Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn bao gồm: Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 77 của Luật Chứng khoán năm 2019.

- Trường hợp công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật Chứng khoán năm 2019.

3.2. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán

a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế:

Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định tại Điều 77 Luật Chứng khoán năm 2019.

b) Hình thức đầu tư: Mua cổ phần, phần vốn góp, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp).

c) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Chứng khoán năm 2019.

d) Điều kiện khác:

- Vốn điều lệ tối thiểu của công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là 25 tỷ đồng.

- Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn bao gồm: Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 77 của Luật Chứng khoán năm 2019.

- Trường hợp công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp bảo hiểm hoặc công ty chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật Chứng khoán năm 2019.

3.3. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

3.3.1. Đối với thành lập chi nhánh của công ty chứng khoán nước ngoài

a) Phạm vi hoạt động: Chỉ được thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán.

b) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Công ty chứng khoán nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Chứng khoán năm 2019.

d) Điều kiện khác: chỉ được lập 01 chi nhánh tại Việt Nam.

3.3.2. Đối với thành lập chi nhánh của công ty quản lý quỹ nước ngoài

a) Phạm vi hoạt động: Chỉ được cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho vốn huy động tại nước ngoài

b) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Công ty chứng khoán nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 76 Luật Chứng khoán năm 2019.

c) Điều kiện khác: chỉ được lập 01 chi nhánh tại Việt Nam

3.4. Điều kiện thành lập văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

a) Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Chứng khoán năm 2019.

b) Năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài được lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Chứng khoán năm 2019.

Số lượt đọc: 5871
Thông báo