BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Sẽ kịp hướng dẫn khi Luật Đầu tư có hiệu lực
Thứ Ba, 16/06/2015 01:54
Sẽ kịp hướng dẫn khi Luật Đầu tư có hiệu lực

Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trấn an các hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) rằng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Dự thảo Nghị định) sẽ được ban hành kịp thời điểm hiệu lực của Luật Đầu tư 2014 vào ngày 1/7/2015 tới.

“Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp cho áp dụng thủ tục rút gọn với văn bản này. Hiện tại, Dự thảo Nghị định đã trình Bộ Tư pháp thẩm định. Danh mục điều kiện kinh doanh cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ để hoàn tất và sẽ công khai trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia kịp ngày 1/7/2015”, ông Hùng cam kết.

Trước đó, tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định do Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VAFIE) tổ chức, luật sư Phan Thùy Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã thẳng thắn cho biết, bà đang thúc giục khách hàng hoàn tất hồ sơ xin Giấy chứng nhận đầu tư để kịp nộp trước ngày 1/7. “Cho đến thời điểm này, chỉ còn 2 tuần nữa là Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, nhưng hướng dẫn chưa có, có thể khiến hồ sơ nộp sau ngày 1/7 bị ách lại đợi hướng dẫn”, luật sư Thùy Anh lo ngại.

Là những người trực tiếp làm thủ tục đăng ký đầu tư cho khách hàng, các luật sư như bà Thùy Anh rất rành tình trạng “đợi hướng dẫn”. Thậm chí, ngay cả khi thủ tục đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 đơn giản hơn rất nhiều so với hiện hành, nhất là bỏ thủ tục thẩm tra đầu tư vốn bị than phiền là rắc rối, tốn kém, thì bà Thùy Anh vẫn muốn xong việc trước khi văn bản mới có hiệu lực.

“Quy định mới bỏ thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chúng tôi sẽ phải làm gì nếu các cơ quan trực tiếp giải quyết chuyện này lại nói, vấn đề này phức tạp, cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan?”, bà Trần Thanh Huyền, luật sư Công ty Luật NHQuang và Cộng sự đồng tình với phương án chọn của đồng nghiệp.

Lo ngại này lớn hơn khi dự án đầu tư hoặc ngành nghề kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài rơi vào danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong số này, có khoảng 100 ngành nghề có điều kiện riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng con số này chưa chính thức, khi vẫn có 21 ngành chưa có điều kiện kinh doanh đi kèm, nghĩa là, “chưa xác định có giới hạn gì” với nhà đầu tư nước ngoài hay không. Có thể điểm một số ngành nghề như kinh doanh mua bán nợ, kinh doanh dịch vụ đặt cược, kinh doanh dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế…

Thực tế này khiến ông Fred Burke, Trưởng Nhóm Công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phải gửi tới Chính phủ tại VBF giữa kỳ được tổ chức đầu tuần trước câu hỏi riêng liên quan đến thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp dù ông không phải là “người lạ” với ban soạn thảo các văn bản này.

“Chưa có điều kiện kinh doanh, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài không biết có thể làm được gì. Chúng tôi giả định rằng, các cơ quan chức năng sẽ vẫn tùy nghi trong phê duyệt dự án trên cơ sở từng trường hợp. Vậy Dự thảo Nghị định cần làm rõ nếu có thay đổi về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hay điều kiện kinh doanh thì sẽ phải thực hiện theo luật nào, Luật Đầu tư hay luật chuyên ngành”, ông Fred Burke đặt vấn đề.

Ông Hùng thừa nhận, lo ngại về thực thi là có thật, cho dù Luật Đầu tư đã đưa ra nguyên tắc việc thay đổi về ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh của các ngành nghề để phải thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư.

Thậm chí, ông đang nhận được nhiều đề nghị từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài về việc “tiếp tục ghi các ưu đãi đầu tư mà dự án được hưởng vào Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư 2014”. Lý do là, các nhà đầu tư muốn chắc chắn họ được hưởng ưu đãi mà không phải đi tìm các căn cứ pháp lý chứng minh với các cơ quan thực thi.

“Ngay cả việc bỏ quy định về thẩm tra đầu tư, về việc không phải xin ý kiến các đơn vị chuyên ngành khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng khiến các địa phương lo lắng dù cơ sở để họ làm việc này chính là các điều kiện kinh doanh, các cơ chế ưu đãi đã được công bố công khai. Nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ phải tuân thủ nguyên tắc thực hiện theo quy định của pháp luật mà không cần phải có xác nhận thêm”, ông Hùng nói.

Liên quan đến việc tách thủ tục đầu tư và thủ tục thành lập doanh nghiệp mà các nhà đầu tư nước ngoài lo là tăng thêm hồ sơ để xin cấp phép, ông Hùng cũng giải thích, với các dự án không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chiếm đa số, thì nhà đầu tư chỉ nộp 1 bộ hồ sơ, thay cho 8 bộ hiện tại, cho cơ quan đăng ký đầu tư và sẽ nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 15 ngày. Việc thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mất 3 ngày nữa với hồ sơ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

“Dự thảo Nghị định cũng ghi rõ rằng, cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và không được xem xét lại những nội dung liên quan đến dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, ông Hùng cho biết.


Số lượt đọc: 346
Thông báo