Về vốn đầu tư, tùy theo cấp độ trung
tâm hay trường trung cấp, cao đẳng, mức yêu cầu về vốn đầu tư khác
nhau. Với dự án đầu tư thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn
FDI, dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 60 triệu đồng/người học
(không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được
tính toán căn cứ số lượng người học quy đổi toàn phần thời gian tại thời điểm
có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất.
Nếu là cấp độ trường trung cấp, cao
đẳng, suất đầu tư ít nhất là 100 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi
phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm
có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê
lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt
động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định trên.
Nghị định quy định, thời hạn hoạt
động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm,
tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội
khó khăn, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.
Nghị định cũng chỉ rõ, cơ sở giáo
dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên
tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục nghề
nghiệp và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Còn nếu đăng ký hoạt động dưới 20
năm, thì không phải xây dựng cơ sở vật chất riêng, nhưng phải có hợp đồng hoặc
thỏa thuận thuê trường, lớp, nhà xưởng, các diện tích phụ phù hợp và ổn định
trong thời gian ít nhất là 5 năm.
Về thủ tục thành lập cơ sở giáo dục
nghề nghiệp, nhà đầu tư cần làm 6 bộ hồ sơ, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc và nộp
cho: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành
lập trường cao đẳng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với hồ sơ đề
nghị cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trường trung cấp.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính
hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản
cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan, đơn
vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời.
Nghị định cũng nêu rõ, trong thời
hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ
lập báo cáo thẩm tra, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong
thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được báo cáo thẩm tra, các cấp có
thẩm quyền xem xét, quyết định việc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không được chấp
thuận, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của các cấp
có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư,
trong đó nêu rõ lý do.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước
ngoài, tính đến tháng 5 năm 2015, cả nước có 213 dự án FDI vào ngành giáo dục
và đào tạo còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 822,11 triệu USD, chiếm 0,32% tổng
vốn FDI tại Việt Nam. Mặc dù chưa nhiều dự án đầu tư, nhưng các cơ sở đào
tạo có vốn FDI trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất đáng kể. Phần lớn
các dự án là của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Anh, Australia... là những nước
có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới, có bề dày lịch sử lâu đời. Bằng
cấp của các nước này được công nhận và được coi như chuẩn mực cao trên toàn thế
giới.