BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thực trạng và giải pháp
Thứ Hai, 20/04/2015 01:37
Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thực trạng và giải pháp

Việc đầu tư vào các dự án hạ tầng luôn đòi hỏi vốn lớn, nhưng khả năng sinh lời thấp, thời gian thu hồi vốn dài, tuy nhiên, hiện tại chưa có các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này.

1. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Tính đến tháng 3 năm 2015, có 18.041 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 254,09 tỷ USD. ĐTNN đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong số hơn 18 nghìn dự án FDI còn hiệu lực chỉ có 12 dự án BOT trong lĩnh vực điện, cung cấp nước với tổng vốn đăng ký 8,17 tỷ USD 457 dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (bao gồm dự án xây dựng hạ tầng KCN, KCX, dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở để bán và cho thuê, ….) với tổng vốn đầu tư đăng ký 48,4 tỷ USD.

 Các dự án đầu tư trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn nơi có hệ thống hạ tầng phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương… Trong khi các địa phương nhỏ nơi hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, cần nhiều vốn đầu tư vào lĩnh vực này thì kết quả thu hút đầu tư còn rất khiêm tốn.

 2. Một số chính sách thúc đẩy thu hút ĐTNN trong lĩnh vực hạ tầng đã được ban hành:

- Quyết định 71/2010/QĐ-TTg  ngày 09 tháng 11 năm 2010 về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tạo hành lang pháp lý ban đầu về đầu tư theo hình thức PPP nhằm khuyến khích, thúc đẩy thu hút FDI vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

- Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

- Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/07/2014. Hai luật đã được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư trong thời gian tới. Hiện Bộ KHĐT và các Bộ ngành đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành hai Luật này, đảm bảo trước khi hai Luật có hiệu lực sẽ có đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn kèm theo để việc triển khai các quy định mới của luật được thuận lợi, không có vướng mắc. 

- Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định lĩnh vực, điều kiện và thủ tục thực hiện dự án theo hình thức PPP, cơ chế quản lý và sử dụng vốn của nhà nước tham gia thực hiện dự án, chính sách ưu đãi, đảm bảo đầu tư và trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý dự án theo hình thức PPP. Nghị định này được xây dựng trên cơ sở hợp nhất Quyết định 71 về PPP và Nghị định 108 về BOT nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng

- Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư theo định hướng mới, có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực quan trọng cần thu hút đầu tư như cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng cường và phát huy hiệu quả của ĐTNN cho phát triển kinh tế xã hội.

 3. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

ĐTNN vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu thu hút vốn. Kết quả hạn chế này là do một số nguyên nhân sau:

- Việc đầu tư vào các dự án hạ tầng luôn đòi hỏi vốn lớn, nhưng khả năng sinh lời thấp, thời gian thu hồi vốn dài, tuy nhiên, hiện tại ta chưa có các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này.

- Chưa có danh mục các dự án cơ sở hạ tầng đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiện nay, các dự án tiềm năng, có tính thương mại, khả năng sinh lời cao trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đều đã có chủ đầu tư, trong  khi đó các dự án chưa có chủ đầu tư là các dự án không có tính thương mại, khả năng thu hồi vốn thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài không đủ sức thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

- Một số bất cập hiện nay trong vấn đề phí sử dụng kết cấu hạ tầng, đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, giải phóng mặt bằng cũng là một số trở ngại phổ biến trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

 4. Một số giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới:

Để tiếp tục tăng cường thu hút ĐTNN nói chung và ĐTNN vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nói riêng cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư để rà soát, phân loại các dự án ĐTNN. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án ĐTNN của các cơ quan cấp GCNĐT để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp. Tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước để có hướng xử lý đối với từng loại dự án, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết.

- Nâng cao hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, có chế tài xử phạt mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Thường xuyên rà soát để đồng bộ hóa luật pháp. Đồng thời, tăng cường năng lực của bộ máy cơ quan quản lý.

- Thực hiện các chương trình Xúc tiến đầu tư theo đúng định hướng tại Quyết định 03/2014/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động Xúc tiến đầu tư.  Cải tiến phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan, tăng cường sự phối hợp, điều phối thống nhất chung và có kế hoạch.

- Tăng cường công tác đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả (XTĐT tại chỗ).

- Các ngành, các cấp, các địa phương cần đẩy mạnh hoàn thiện các quy hoạch quan trọng, như: quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội, không gian hạ tầng và đô thị, sử dụng đất...để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ĐTNN đầu tư vào các dự án hạ tầng theo đúng quy hoạch.

- Các địa phương cần xây dựng danh mục các dự án cơ sở hạ tầng có tính khả thi để kêu gọi ĐTNN.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Cùng với đó là thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công... làm cho môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định
Số lượt đọc: 1235
Thông báo