BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Xây dựng các khu kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam
Thứ Ba, 07/04/2015 11:03
Xây dựng các khu kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam

Hội tụ đầy đủ các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, các loại hình khu kinh tế ngày càng thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển nền kinh tế. Nghiên cứu một số mô hình cũng như kinh nghiệm xây dựng khu kinh tế trên thế giới, bài viết hy vọng giúp các nhà hoạch định và quản lý Việt Nam lựa chọn và xây dựng được những khu kinh tế mang tầm cỡ quốc tế.

Xu hướng hình thành khu kinh tế

Nếu như năm 1975 mới chỉ có 665 các mô hình khu kinh tế được thành lập ở 19 quốc gia, đến nay đã có trên 3.500 khu kinh tế được thành lập ở 135 quốc gia, tạo ra hơn 68 triệu việc làm trực tiếp và thu hút được hơn 500 tỷ USD từ giá trị gia tăng liên quan đến thương mại… Các khu kinh tế là khu vực kinh tế - xã hội tổng hợp, được phân định ranh giới địa lý rõ ràng, thuộc chủ quyền của một quốc gia, song có tư cách độc lập tương đối trong quan hệ với bên ngoài khu kinh tế và quốc gia; có quyền tự chủ cao và có cơ chế quản lý hành chính và kinh tế hiện đại, tự do, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhằm tạo ra những ưu thế vượt trội. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, các khu kinh tế hiện nay đều mang tính đa năng, đóng vai trò là điểm kết nối, cực tăng trưởng nhằm huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực ưu việt nhất. Đồng thời, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế quốc gia bắt kịp sự phát triển của thế giới. Theo đó, đặc khu kinh tế gồm có những ưu thế cơ bản sau:

Thứ nhất, là khu vực có lợi thế so sánh về địa lý, có cảng biển quốc tế hoặc rất gần các cảng biển quốc tế, gần các tuyến giao thông quan trọng của đất nước; có nhiều tiềm năng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Thứ hai, phải có hệ thống thể chế hành chính, kinh tế theo đúng chuẩn mực quốc tế có tính phổ quát cho các khu kinh tế tự do, bao gồm: Một hàng rào bảo hộ bằng 0, thuế xuất nhập khẩu bằng 0, bãi bỏ mọi hàng rào phi thuế quan; miễn thị thực nhập cảnh cho mọi du khách du lịch, buôn bán, kinh doanh; cho phép tự do kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực trừ một số lĩnh vực cấm; cho phép thực thi chế độ tự quản về hành chính; đảm bảo sự độc lập của ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, Chính phủ chỉ nắm quyền thống nhất quản lý về an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

Thứ ba, là cánh cửa mở đối với thế giới bên ngoài; nơi thử nghiệm các ý tưởng cải cách, đổi mới…

Với những ưu thế đó, các nước trên thế giới đã linh hoạt áp dụng vào thực tiễn của mình và xây dựng nên một số mô hình khu kinh tế khác nhau. Trong đó, có 3 mô hình nổi bật như:

Mô hình khu kinh tế tự do và khu mậu dịch tự do:

Ra đời vào giữa thế kỷ 16 và chủ yếu tại châu Âu: Cảng tự do Genoa (Italia) được xây dựng vào năm 1547; khu mậu dịch tự do Hamburg (Đức) được xây dựng vào năm 1888… Từ sau Thế chiến thứ 2, khu kinh tế tự do và khu mậu dịch tự do mới thực sự phát triển cả về số lượng lẫn loại hình, quy mô và phạm vi trên toàn thế giới. Khu kinh tế tự do và khu mậu dịch tự do được phân thành 3 loại chính: (1) Khu kinh tế tự do có tính chất thương mại, chủ yếu phát triển thương mại và dịch vụ; (2) Khu kinh tế tự do có tính chất công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp với các mô hình như khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao...; (3) Các khu kinh tế tự do có tính chất tổng hợp: Khu vực lãnh thổ tập trung thu hút phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh tổng hợp, đa ngành nghề.

Mô hình đặc khu kinh tế:

Ra đời muộn hơn, từ cuối thế kỷ XX. Trung Quốc được coi là nơi đánh dấu sự ra đời của đặc khu kinh tế và là quốc gia phát triển thành công nhất mô hình này. Đặc khu kinh tế là vùng kinh tế tổng hợp, đa chức năng, được hưởng các quyền và lợi ích kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ chính trị và kinh tế. Đặc biệt, còn được coi là một nơi đào tạo, huấn luyện nhân tài, phát huy tác dụng các cửa ngõ kỹ thuật, quản lý, tri thức và chính sách đối ngoại; đồng thời là nơi thử nghiệm các chính sách cải cách thể chế kinh tế lớn. Khác với Trung Quốc, ở châu Á, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á có xu hướng phát triển các đặc khu kinh tế nhờ vào nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Ví dụ, đầu những năm 1990, Thái Lan và Philippines khuyến khích phát triển các đặc khu kinh tế do chính phủ đầu tư. Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách ngay từ khi mới có chủ trương thành lập các khu kinh tế vào năm 1991 – thời điểm thành lập khu chế xuất Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh)… Đặc khu kinh tế được chia thành 5 loại: Đặc khu kinh tế thương mại, đặc khu kinh tế thương mại và công nghiệp, đặc khu kinh tế kỹ thuật, đặc khu kinh tế tổng hợp và đặc khu kinh tế xuyên quốc gia.

Mô hình đặc khu hành chính, khu tự trị:

Mô hình đặc khu hành chính hiện chỉ mới có ở Trung Quốc, đó là đặc khu hành chính Hồng Kông (trước đây là thuộc địa của Anh) và đặc khu hành chính Macao (trước đây là thuộc địa của Bồ Đào Nha). Đây là hai đơn vị hành chính đặc biệt mà người dân ở đó có chính quyền, lập pháp riêng không phụ thuộc vào chính quyền trung ương; ngoại trừ một số vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng. Còn mô hình khu tự trị thì đã phổ biến ở Hàn Quốc (tỉnh tự trị Jeju, còn gọi là thành phố quốc tế tự do) và Italia (tỉnh tự do Trento)... Khu tự trị được coi là một đơn vị cấp vùng được áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định được đơn giản hóa để bảo đảm việc xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận tiện, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hoạt động kinh doanh.

Nếu năm 1975 mới chỉ có 665 các mô hình khu kinh tế được thành lập ở 19 quốc gia, đến nay đã trên 3.500 khu kinh tế được thành lập ở 135 quốc gia, tạo ra hơn 68 triệu việc làm trực tiếp và thu hút được hơn 500 tỷ USD từ giá trị gia tăng liên quan đến thương mại…

Hàm ý cho Việt Nam

Việc hình thành các khu kinh tế với thể chế kinh tế có sức cạnh tranh trong điều kiện kinh tế còn nhiều diễn biến khôn lường là một công việc mang tính đột phá, đòi hỏi quyết tâm cao. Từ thực tế nghiên cứu tiến trình xây dựng và cách làm của các khu kinh tế thành công trên thế giới, có thể rút ra những bài học và vấn đề Việt Nam cần lưu ý trong quá trình thành lập và vận hành các khu kinh tế trong hiện tại cũng như sắp diễn ra trong thời gian tới:

Thứ nhất, hình thức khu kinh tế tự do nhằm tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn hội tụ và hoạt động trong điều kiện toàn cầu hóa. Nó không những không mất đi mà tiếp tục có sức hấp dẫn lớn và tạo những đột phá cả về quy mô kinh tế lẫn không gian lãnh thổ.

Thứ hai, các khu kinh tế nói chung và khu kinh tế tự do nói riêng đều tập trung khai thác triệt để các thế mạnh, nhất là về vị trí địa lý, về điều kiện kinh tế - xã hội…

Thứ ba, các khu kinh tế thành công đều có chung những điểm sau: Thể chế hiện đại, áp dụng luật pháp quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng và mức độ tập trung cao, thời gian xây dựng ngắn, trở thành nơi hội tụ của đông đảo các công ty hàng đầu thế giới…

Tóm lại, các khu kinh tế là thể chế đặc biệt tích hợp tối ưu các lợi thế và huy động có hiệu quả các nguồn lực phát triển dưới áp lực cạnh tranh quốc tế và toàn cầu hóa. Việt Nam có nhiều lợi thế và điều kiện để thành lập các khu kinh tế, tuy nhiên để thu hút có hiệu quả nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài, tạo động lực phát triển; phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, nhất quán từ trung ương. Mặc dù, việc thừa hành có thể ủy thác cho chính quyền địa phương nhưng xét về tính chất và quy mô thì luôn là vấn đề quốc gia.

Hai là, cần sớm xây dựng Luật đặc khu kinh tế hoặc luật đặc biệt cho từng khu.

Ba là, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, bởi thước đo quan trọng nhất trong quá trình hình thành các đặc khu là sự quan tâm và đầu tư của các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Bốn là, việc hình thành bộ máy triển khai khởi sự công việc với đội ngũ các chuyên gia có năng lực và chuẩn bị nguồn lực đẳng cấp quốc tế cho sự vận hành các khu kinh tế trong tương lai là điều kiện không thể thiếu đối với sự ra đời và phát triển các khu kinh tế…

Số lượt đọc: 1072
Thông báo