BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Thu hút đầu tư nước ngoài tại Thái Lan, Malaysia và kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ Năm, 02/04/2015 11:53
Thu hút đầu tư nước ngoài tại Thái Lan, Malaysia và kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong giai đoạn tới, Việt Nam tiếp tục xác định thu hút đầu tư nước ngoài là mục tiêu quan trọng với định hướng thu hút công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, phát triển hàm lượng công nghiệp, giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh với các quốc gia khác trong thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt, để tăng khả năng hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nghiên cứu, so sánh chính sách FDI của các quốc gia có những điều kiện, trình độ tương đồng với Việt Nam là cần thiết. Bài viết xin trình bày nghiên cứu về chính sách thu hút FDI tại Thái Lan, Malaysia và một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Thu hút FDI tại Thái Lan

Tại Thái Lan, thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái…, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thái Lan vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Hơn thế nữa, Thái Lan có thị trường thu hút đầu tư rất cạnh tranh và hấp dẫn trong khu vực châu á. Trong các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan, Nhật Bản có lượng vốn đầu tư lớn nhất với khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại quốc gia này. Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn FDI vào Thái Lan. Lượng vốn FDI từ các nhà đầu tư Singapore chiếm khoảng 80-90% tổng vốn đầu tư của các nước ASEAN vào Thái Lan.

Gần đây, trong chiến lược mới được Thái Lan thông qua đầu tháng 9/2014, để thu hút thêm vốn FDI, Thái Lan sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa, giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng…

Chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài

Thái Lan có cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư là ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI), cơ quan này chuyên xem xét ưu đãi cho từng dự án và phân loại dự án đầu tư theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế cả nước, chứ không phải chỉ một vùng miền nào đó.

Ưu đãi đầu tư của Thái Lan cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các khuyến khích bằng thuế và các khuyến khích không bằng thuế như sau:

Các khuyến khích bằng thuế, bao gồm: miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; khấu trừ hai lần chi phí vận chuyển, điện và nước; bổ sung 25% khấu trừ chi phí xây dựng và lắp đặt cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và nguyên liệu thiết yếu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.

Các khuyến khích không bằng thuế, bao gồm: cho phép công dân nước ngoài vào Thái Lan để nghiên cứu cơ hội đầu tư; cho phép đưa vào Thái Lan những lao động kỹ năng cao và chuyên gia để thực hiện việc xúc tiến đầu tư; cho phép sở hữu đất đai; cho phép mang lợi nhuận ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

Về địa bàn ưu đãi đầu tư (dựa trên chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người), Thái Lan chia thành 03 vùng để áp dụng chính sách ưu đãi khác nhau. Đồng thời, ưu đãi đầu tư trong KCN và ngoài KCN cũng có sự phân biệt, cụ thể là:      

Thuế nhập khẩu

Bên ngoài KCN

Bên trong KCN

Vùng 1

Giảm 50%

Giảm 50%

Vùng 2

Giảm 50%

Miễn thuế nhập khẩu

Vùng 3

Miễn thuế nhập khẩu

Miễn thuế nhập khẩu

 

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Bên ngoài KCN

Bên trong KCN

Vùng 1

Không được ưu đãi

Miễn thuế 03 năm

Vùng 2

Miễn thuế 03 năm

Miễn thuế 07 năm

Vùng 3

Miễn thuế 08 năm

Miễn thuế 08 năm

Hiện nay, thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%.

Về loại hình doanh nghiệp: có 3 loại hình doanh nghiệp được áp dụng đối với đầu tư nước ngoài: doanh nghiệp tư nhân đơn nhất, công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) tư nhân. Hình thức phổ biến nhất đối với đầu tư nước ngoài là công ty TNHH tư nhân.

Về thủ tục đầu tư, theo BOI có khoảng trên 20 cơ quan của Chính phủ Thái Lan tham gia vào quy trình thẩm định, thành lập doanh nghiệp để thực hiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Quá trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Thái Lan trải qua 2 bước: đăng ký Giấy phép kinh doanh nước ngoài và đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp.

Về cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ”, trước đây, BOI được giao làm đầu mối thực hiện để hỗ trợ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, BOI chỉ đóng vai trò là đầu mối cung cấp các thông tin liên quan và chỉ cấp Giấy chứng nhận ưu đãi cho nhà đầu tư. Việc xin cấp các loại giấy phép khác do nhà đầu tư tự thực hiện tại các Bộ chuyên ngành. Cụ thể là: Bộ Thương mại cấp Giấy đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp; Bộ Công nghiệp cấp Giấy phép kinh doanh.

Điểm mới trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài

Theo BOI, hiện nay, Thái Lan đang thực hiện 03 thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể là:

(1) Trước đây, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được dựa trên chiến lược phát triển sản xuất thay thế nhập khẩu. Do đó, Thái Lan phải nhập khẩu nhiều máy móc, nguyên vật liệu, dẫn đến thâm hụt thương mại. Đến nay, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Thái Lan là hướng vào phát triển sản xuất phục vụ cho xuất khẩu;

(2) Thu hẹp diện hưởng ưu đãi đầu tư từ 240 ngành, lĩnh vực như trước đây xuống còn 100 ngành, lĩnh vực. Đồng thời, ưu đãi đầu tư tập trung hơn vào 03 lĩnh vực, bao gồm: phát triển công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động đào tạo công nghệ tiên tiến; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME);

(3) Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các vùng xa Bangkok và vùng nông thôn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Ngoài ra, do chi phí cuộc sống tăng, thiếu nguyên liệu, Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư ra nước ngoài, nhất là các quốc gia ASEAN.

Thu hút FDI tại Malaysia

Hiện nay, trên toàn lãnh thổ Malaysia có khoảng 595 KCN. Các KCN của Malaysia có quy mô diện tích khác nhau từ 20 ha đến trên 500 ha và được phân thành KCN nhẹ, KCN vừa và KCN nặng tùy thuộc vào loại ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp và quy mô diện tích KCN. KCN nhẹ có quy mô diện tích từ 20-200 ha, tập trung sản xuất các ngành, nghề như chế biến thực phẩm, dệt may, thiết bị y tế, công nghiệp hỗ trợ. KCN vừa có quy mô diện tích từ 100-600 ha, tập trung sản xuất các ngành, nghề như chế tạo máy móc, thiết bị, điện tử, chế biến gỗ. KCN nặng có quy mô diện tích từ 500-3.000 ha, tập trung sản xuất các ngành, nghề như hóa dầu, kim loại. Phần lớn các KCN của Malaysia do các cơ quan nhà nước đầu tư như: các Công ty phát triển kinh tế Bang, Cơ quan phát triển vùng, Hội đồng hành lang vùng và một số công ty tư nhân đầu tư.

Những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, Malaysia khuyến khích thu hút FDI vào những ngành xuất khẩu bằng việc giảm thuế thu nhập tới 3 năm cho các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành được lựa chọn. Tuy nhiên, từ năm 1996, Malaysia đã khuyến khích đầu tư cho các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, quang điện tử, công nghệ không dây và vật liệu tiên tiến. Để thu hút các công ty công nghệ đẳng cấp thế giới (cả trong nước và ngoài nước) và khuyến khích phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, Chính phủ Malaysia đề ra sáng kiến phát triển công nghệ thông tin quốc gia, gọi là khu công nghệ thông tin. Đây là một khu vực có vị trí địa lý xác định, có môi trường kinh doanh thuận lợi với hệ thống sinh thái tốt để thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ phát triển cho các công ty trong nước trở thành những công ty đẳng cấp quốc tế. Hiện tại Malaysia có 30 khu công nghệ thông tin và có gần 3000 công ty đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các Công ty này thuộc đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 10 năm, tiếp cận nguồn vốn không hoàn lại về nghiên cứu và phát triển.

Khác với Thái Lan, Malaysia không có cơ quan quản lý nhà nước về KCN, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm đầu tư của Bang, các Sở: công trình công cộng, phòng cháy và cứu trợ, môi trường, đất đai, cơ quan phát triển đầu tư (MIDA) để đăng ký thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép đối với dự án thuộc lĩnh vực sản xuất.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài

Để bắt đầu một dự án sản xuất mới, nhà đầu tư nước ngoài cần có Giấy phép sản xuất và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty sản xuất với vốn góp cổ đông từ 2,5 triệu RM trở lên hoặc sử dụng trên 75 lao động phải xin Giấy phép sản xuất. Tiêu chí phê duyệt dự án đầu tư ở Malaysia được xây dựng dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư cho mỗi lao động (C/E). Các dự án có tỷ lệ C/E nhỏ hơn 55.000 RM được xác định là dự án sử dụng nhiều lao động và do đó không đủ điều kiện cấp giấy phép sản xuất để nhận ưu đãi về thuế.

Tuy nhiên, một dự án sẽ được xem là ngoại lệ so với quy định trên nếu đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau: (i) giá trị gia tăng là 30% trở lên, (ii) có chỉ số MTS (tỷ lệ cán bộ quản lý, kỹ thuật và giám sát trên tổng số nhân viên) từ 15% trở lên, (iii) dự án liên quan đến các hoạt động hoặc sản xuất các sản phẩm trong “Danh sách các sản phẩm và hoạt động được khuyến khích - Công ty công nghệ cao”; hoặc (iv) trước đây công ty đã được cấp giấy phép sản xuất.

Quy trình, thủ tục đầu tư tại Malaysia được thực hiện qua 2 bước

Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập doanh nghiệp với ủy ban Doanh nghiệp của Malaysia (CCM). Sau khi nhận được Giấy đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục khác như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký với cơ quan thuế thu nhập của Malaysia và đăng ký để xin cấp giấy phép văn phòng từ cơ quan địa phương nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh.

Bước 2: Phê duyệt giấy phép đối với dự án thuộc lĩnh vực sản xuất. Để bắt đầu một dự án sản xuất mới tại Malaysia, nhà đầu tư nước ngoài ngoài việc cần được CCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn phải được Cơ quan phát triển đầu tư Malaysia (MIDA) phê duyệt giấy phép sản xuất. Các công ty sản xuất với vốn góp cổ đông từ 2,5 triệu RM trở lên hoặc sử dụng từ 75 lao động toàn thời gian trở lên phải xin giấy phép sản xuất.

Một công ty được cấp giấy phép muốn mở rộng năng lực sản xuất hoặc đa dạng hóa sản phẩm của mình bằng cách sản xuất các sản phẩm bổ sung cũng cần gửi đơn cho MIDA.

Ngành, lĩnh vực và địa bàn được hưởng ưu đãi

Ưu đãi đầu tư tại Malaysia được coi như là một công cụ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo đúng mục tiêu đề ra. Nhằm tăng giá trị xuất khẩu, Malaysia áp dụng các ưu đãi như giảm 10% thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, giảm 5% giá nguyên liệu đầu vào nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu, cũng như chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường. Với mục tiêu tạo việc làm và khuyến khích đầu tư mở rộng của doanh nghiệp FDI, Malaysia đã đưa ra điều kiện để được hưởng ưu đãi là lao động thường xuyên từ 500 người trở lên hoặc vốn giải ngân đạt từ 25 triệu RM trở lên. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, Malaysia đã cấp ưu đãi cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo hướng nghiệp cho người lao động hoặc xây dựng các trường đào tạo.

Từ năm 2006 đến nay, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, các ưu đãi cơ bản về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất được thực hiện trên nền chính sách “nhà đầu tư tiên phong” và chính sách “trợ cấp thuế đầu tư”. Việc xác định tình trạng nhà đầu tư tiên phong hoặc đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ cấp thuế đầu tư dựa trên những tiêu chí như: mức độ giá trị gia tăng, công nghệ được sử dụng và các mối liên kết công nghiệp của dự án.

Ngoài ra, Malaysia cũng đưa ra các chương trình khuyến khích đầu tư cho các ngành công nghệ cao, dự án chiến lược, máy móc thiết bị công nghiệp, công nghiệp ô tô và ngành sử dụng dầu cọ sinh khối.

Ở Malaysia, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các ưu đãi được quản lý tập trung ở cấp liên bang. Các bang (chính quyền địa phương) không có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư hoặc đưa ra các ưu đãi tài chính ở cấp địa phương.

Các lĩnh vực sản xuất được áp dụng chính sách nhà đầu tư tiên phong và trợ cấp thuế đầu tư bao gồm: chế biến sản phẩm nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm cao su; các sản phẩm từ dầu cọ; hóa chất và hóa phẩm dầu khí; dược phẩm; đồ gỗ; bột giấy, giấy và bảng giấy; các sản phẩm từ bông vải sợi; may mặc; các sản phẩm sắt thép; kim loại không màu; máy móc, thiết bị và phụ kiện; các sản phẩm điện, điện tử; các thiết bị khoa học, đo lường chuyên nghiệp; các sản phẩm nhựa; thiết bị bảo vệ.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Giống như Thái Lan và Malaysia, Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bằng nhiều chính sách ưu đãi khác nhau. Từ việc quản lý đầu tư nước ngoài và mô hình quản lý KCN tại Thái Lan, Malaysia cho thấy có những điểm tương đồng và khác biệt với Việt Nam cần nghiên cứu học tập và rút kinh nghiệm.

Về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài

Cả hai nước Thái Lan và Malaysia đều xác định đầu tư nước ngoài là một nguồn lực cần được huy động và sử dụng hiệu quả. Vì vậy, Thái Lan, Malaysia xây dựng chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của quốc gia để đảm bảo nguồn lực này phục vụ tốt cho phát triển sản xuất trong nước, thông qua thực hiện các biện pháp như: kêu gọi đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư. Các cơ quan quản lý đầu tư tại hai quốc gia này có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài trong thực hiện thủ tục đầu tư, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cụ thể là: ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI), Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) là đầu mối hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính và thực hiện chức năng điều phối trong quá trình nhà đầu tư xin cấp các giấy phép khác (giấy phép sản xuất, giấy phép xây dựng nhà máy...).

Hiện nay, Thái Lan, Malaysia đều đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, dành các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các loại dự án này. Theo đó, để cạnh tranh được với các quốc gia này trong thu hút các dự án công nghệ cao, Việt Nam cần nghiên cứu để có những thay đổi phù hợp trong chính sách ưu đãi đầu tư cho dự án công nghệ cao.

Ngoài ra, Thái Lan đang có chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng của Thái Lan để phát triển những ngành sản xuất trong nước mà nước ta còn chưa cạnh tranh so với nước bạn như nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng...

Việc quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại Thái Lan, Malaysia tập trung và thống nhất tại cơ quan cấp trung ương, liên bang (MIDA, BOI), không phân cấp cho chính quyền địa phương. Việc tập trung này thuận lợi cho việc thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính cho nhà đầu tư và triển khai các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cấp quốc gia.

Về ưu đãi đầu tư

Ưu đãi đầu tư tại Thái Lan tương tự như Việt Nam, bao gồm ưu đãi đầu tư theo địa bàn và lĩnh vực. Tuy nhiên, tiêu chí phân loại địa bàn ưu đãi đầu tư của Thái Lan là theo khoảng cách từ vùng ưu đãi tới thủ đô Băng Cốc, chia thành 03 vùng: vùng 1, vùng 2, vùng 3, trong đó, vùng 3 được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất. Ngược lại, ưu đãi đầu tư tại Malaysia chỉ thiết kế theo lĩnh vực, tập trung cho sản xuất công nghiệp. Điểm chung trong chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là đều dành ưu đãi cao nhất cho dự án công nghệ cao. 

Tại Thái Lan, Malaysia, ưu đãi đầu tư bao gồm cả ưu đãi bằng thuế và ưu đãi phi thuế. Về mức độ ưu đãi, ưu đãi thuế mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư không kém hấp dẫn hơn ưu đãi đầu tư của Thái Lan, Malaysia. Cụ thể, về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013, dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 04 năm, giảm 50% trong 09 năm tiếp theo; tại Thái Lan, dự án đầu tư trong vùng 3 (địa bàn hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất) được hưởng miễn thuế TNDN trong 08 năm, không được hưởng ưu đãi thuế suất (thuế suất thuế TNDN phổ thông tại Thái Lan là 20%); tại Malaysia, dự án đầu tư công nghệ cao được hưởng thời gian miễn thuế từ 10 đến 15 năm, không được hưởng ưu đãi về thuế suất (thuế suất thuế TNDN phổ thông tại Malaysia là 25%).

Điểm khác nhau giữa chính sách ưu đãi đầu tư của Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là: đối với một số dự án mục tiêu, Chính phủ Malaysia cho phép Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia đàm phán trực tiếp gói ưu đãi đầu tư với nhà đầu tư. Vì vậy, trong một số trường hợp cần đặc biệt thu hút đầu tư, MIDA có thể xây dựng những chính sách hỗ trợ linh hoạt và tốt nhất cho nhà đầu tư.

Về thủ tục đầu tư

Tương tự quy định pháp luật của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án đầu tư tại Thái Lan, Malaysia đều phải thực hiện thủ tục đầu tư với quy trình chặt chẽ, có sự tham gia cấp phép, thẩm định của nhiều Bộ chuyên ngành. Tại Thái Lan, có khoảng trên 20 cơ quan của Chính phủ Thái Lan tham gia vào quy trình thẩm định, thành lập doanh nghiệp để thực hiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quy trình thủ tục đầu tư tại Thái Lan, Malaysia có điểm khác với thủ tục đầu tư tại Việt Nam là: cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (MIDA, BOI) cấp riêng giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư, không gộp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư và giấy đăng ký kinh doanh thành giấy chứng nhận đầu tư như quy định tại pháp luật về đầu tư của Việt Nam.

Ngoài giấy đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần phải xin thêm giấy phép kinh doanh (business license) do Bộ Công nghiệp Thái Lan cấp và giấy phép sản xuất (manufacturing license) do MIDA Malaysia cấp. Tại Việt Nam, chỉ một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mới yêu cầu phải có giấy chứng nhận đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trước khi đi vào hoạt động kinh doanh. Như vậy, trong vấn đề này, quy định của Việt Nam có thông thoáng hơn so với Thái Lan, Malaysia.

Trong quá trình triển khai dự án đầu tư, nhà đầu tư tại Thái Lan, Malaysia phải tuân thủ các tiêu chuẩn về xây dựng, bảo vệ môi trường... Cụ thể: tại Thái Lan, nhà đầu tư phải có giấy phép xây dựng trước khi xây dựng nhà máy.

 ThS. Vũ Quốc Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Số lượt đọc: 7152
Thông báo