Đồng Nai là một trong những địa phương quy hoạch phát triển các KCN sớm nhất cả nước. Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai, ngay từ đầu những năm 1990, Đồng Nai đã quy hoạch 17 KCN, nhưng qua quy hoạch chi tiết thực tế đã chuẩn bị cho việc hình thành 23 KCN (do KCN Nhơn Trạch 2.700 ha chia thành nhiều KCN nhỏ). Trong quá trình phát triển, Đồng Nai đã quy hoạch bổ sung KCN và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2015 phát triển 36 KCN với tổng diện tích khoảng 12.057,77 ha.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có 31 KCN được thành lập với tổng diện tích 9.559,35 ha. Các KCN đã đầu tư hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với giá trị đạt 380 triệu USD và 6.637 tỷ đồng, đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, có giá trị lâu dài và tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa. Hiện có 28 trong tổng số 31 KCN đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng với chất lượng tốt, đảm bảo theo đúng quy hoạch và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, 03 KCN đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng. Các KCN của tỉnh đều đảm bảo ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng xử lý môi trường của KCN, hiện nay các KCN khi đi vào hoạt động đều đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi tiếp nhận dự án đầu tư. Đặc biệt, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng các KCN theo Quyết định số 2047/QĐ-UBND ngày 06/7/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai. Đề tài xếp hạng KCN được hội đồng thẩm định là các chuyên gia kinh tế đánh giá cao, xếp loại xuất sắc vì tính cần thiết và là vấn đề mới trong quá trình phát triển ngày càng nhiều KCN, nhất là khi yếu tố cạnh tranh được tính đến như là một lợi thế để thu hút đầu tư.
Việc sử dụng đất vào phát triển KCN Đồng Nai đạt hiệu quả cao, tỷ lệ sử dụng đất tự nhiên của 31 KCN chiếm 1,6% diện tích đất của tỉnh, đóng góp trên 40% GDP của tỉnh. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng đất của KCN cao hơn nhiều so với các ngành khác. Mặt khác, các KCN trên địa bàn tỉnh chủ yếu được sử dụng từ đất đồi bạc màu; các khu đất không phải là đất chuyên trồng lúa nước và không phải là khu vực có các điểm khoáng sản; khu vực có dân cư thưa thớt, tọa lạc trên các khu đất canh tác và phần lớn là nhà tạm, không có công trình kiên cố… Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của các KCN hiện nay đạt 67,49%, trong đó có nhiều KCN đạt tỉ lệ lấp đầy cao như Biên Hòa II, Amata, Loteco, Tam Phước, Hố Nai, Sông Mây, Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch II…
Trong hơn 20 năm qua, nhờ vận dụng linh hoạt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương, các KCN Đồng Nai đạt được những kết quả quan trọng trong việc tăng nhanh tốc độ thu hút vốn đầu tư vào Đồng Nai. Những năm gần đây, Đồng Nai đã đạt kết quả cao trong việc thu hút vốn FDI cho công nghiệp, đặc biệt là trong các KCN. Đến tháng 10/2014, các KCN Đồng Nai có 964 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn 16.940,35 triệu USD, có 362 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 43.019 tỷ đồng. Với tiềm lực đầu tư lớn, khu vực FDI đã phát triển thêm nhiều ngành sản xuất mới và tạo ra bước chuyển biến đáng kể về trình độ công nghệ và quản lý. Hiện có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN Đồng Nai, một số tập đoàn lớn và các công ty có thương hiệu lớn trên thế giới đã chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tư như: Pouchen, CP, Nestle’, Hyosung, Formosa, Fujitsu, Philip, Ajinomoto, Zamil Steel, Shell, Syngenta… Các dự án đầu tư vào các KCN Đồng Nai có ngành nghề đa dạng, với qui mô và trình độ công nghệ khác nhau, theo đúng định hướng như ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị. Các dự án đầu tư vào các KCN có tính chất gia công sử dụng nhiều lao động giảm dần, thay vào đó là những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, ít tác động đến môi trường.
Nhiều dự án hoạt động trong KCN đạt hiệu quả cao và thu nhiều lợi nhuận, tiếp tục đăng ký tăng vốn để mở rộng sản xuất. Giai đoạn 1991-1999 có 153 dự án đi vào hoạt động, giai đoạn 2000 - 2005 có thêm 391 dự án đi vào hoạt động, giai đoạn 2006 - 2010 có thêm 375 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động của KCN là 901 dự án; đồng thời giai đoạn này có quy mô tăng vốn cao nhất với 468 dự án, tổng vốn tăng là 4.109 triệu USD, đạt 158% tổng vốn thu hút đầu tư. Tổng vốn thực hiện của các doanh nghiệp KCN đến cuối năm 2010 đạt khoảng 7.529,7 triệu USD, đạt 55% tổng vốn đăng ký, cuối năm 2014 dự kiến đạt khoảng 12.073 triệu USD, đạt 71% tổng vốn đăng ký.
Theo số liệu báo cáo đến cuối năm 2014, tổng số lao động Việt Nam tại các KCN Đồng Nai là 441.948 người, trong đó lao động nữ là 278.733 người. Xét về cơ cấu ngành nghề thì dệt may, giày da là ngành sử dụng đông lao động nhất (54%); tiếp theo là các ngành như cơ khí (9%); chế biến gỗ (8%); nhựa và hóa chất (7%); điện, điện tử (6%),… Về quy mô cơ cấu lao động, lao động ngoại tỉnh chiếm đa số (60,4%). Về cơ cấu giới, lao động nữ có tỷ lệ cao hơn (61%). Người lao động tập trung làm việc tại các doanh nghiệp có vốn FDI (chiếm 92%). Điều đó góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động Đồng Nai.
Nhà máy xử lý nước thải KCN Biên Hòa II (Đồng Nai)
Về công tác bảo vệ môi trường trong các KCN, năm 1995, sau khi Ban Quản lý các KCN Đồng Nai được thành lập, đã tích cực tham gia phối hợp với các ngành trong công tác bảo vệ môi trường đối với các KCN. Nhưng do công tác quản lý bảo vệ môi trường còn mới, nước thải của các doanh nghiệp xử lý chưa có sự kiểm soát chặt chẽ, do đó hiệu quả công tác quản lý bảo vệ môi trường trong giai đoạn này còn hạn chế. Qua gần 20 năm hoạt động, đến năm 2014, trong 31 KCN có tổng lượng nước thải thực tế là 55.368 m3/ngày đêm; trong đó có 28 KCN đã cơ bản xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 117.500 m3/ngày.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đồng Nai đã gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển các KCN như:
- Một số KCN còn gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai xây dựng hạ tầng do vướng việc giải phóng mặt bằng. Việc xây dựng các công trình trong và ngoài hàng rào phục vụ cho các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như không theo kịp tốc độ phát triển của các KCN; thể hiện rõ nhất là về tình hình giao thông, hạ tầng và tình trạng cung cấp điện, nước.
- Trong quá trình thu hút đầu tư, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra các phương án nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có việc lựa chọn thu hút đầu tư các dự án vào KCN như thu hút dự án công nghệ cao; công nghiệp cơ khí; dự án có suất đầu tư lớn, ít chiếm diện tích, sử dụng ít lao động…
- Công tác quản lý môi trường trong các KCN trong việc kiểm soát nước thải: thời gian đầu do chú trọng ưu đãi thu hút đầu tư nên chưa quan tâm đến yếu tố môi trường, do đó đòi hỏi cần có sự lựa chọn dự án đầu tư ít ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, một số quy định còn chưa thống nhất trong việc giao cơ quan quản lý về lĩnh vực môi trường trong KCN và cũng chưa phát huy tinh thần “một cửa” tại KCN.
- Tình hình đình công đã và đang xảy ra trong các doanh nghiệp tại các KCN Đồng Nai. Tính chất của đình công thường là tự phát và không đúng với trình tự thủ tục quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, một số chính sách xây dựng nhà ở, ưu tiên trợ giá điện nước cho nhà trọ công nhân; xây dựng khu vui chơi học tập; nhà trẻ… cho người lao động trong KCN còn chưa phát huy được hiệu quả trong xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:
- Công tác đền bù giải tỏa còn gặp khó khăn, xảy ra các khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài, ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng và tiến độ chung của dự án KCN và cả hạ tầng ngoài KCN.
- Do kinh tế nước ta bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới và các dự án thâm dụng lao động ngành gia công tại Đồng Nai nhiều nên thu nhập công nhân KCN chỉ vừa đủ sống, khó có tích lũy lâu dài là nguyên nhân chủ yếu các vụ đình công. Hơn nữa, trong KCN tập trung mật độ về con người, tài sản cao, do đó công tác quản lý về an ninh trật tự, an sinh xã hội chưa đáp ứng đầy đủ và chưa theo kịp tốc độ phát triển các KCN.
- Mô hình quản lý KCN “một cửa, tại chỗ” với Ban Quản lý KCN là cơ quan quản lý trực tiếp các KCN dù có nhiều đổi mới tích cực từ sau Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ, đóng góp vào phát triển và xây dựng KCN, nhưng nhìn chung vẫn còn lúng túng trong việc hoàn thiện mô hình này cho phù hợp giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới.
Để hoàn thiện mô hình KCN trong giai đoạn hiện nay, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho quản lý và phát triển các KCN, hoàn thiện mô hình quản lý “Một cửa, tại chỗ” của Ban Quản lý các KCN cấp tỉnh. Việc thay đổi luật pháp ngày càng hoàn chỉnh là cần thiết nhưng phải đảm bảo có sự ổn định, điều chỉnh theo tiến độ, lộ trình để các nhà đầu tư an tâm đầu tư.
Thứ hai, quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng, gắn kết giữa KCN với bên ngoài và với các địa phương khác. Ưu tiên ngân sách thu từ sự đóng góp của các doanh nghiệp KCN để đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN phục vụ các doanh nghiệp KCN.
Thứ ba, một số quy định cần xem xét, bổ sung như: hướng dẫn xử lý về giải quyết tồn đọng của dự án, xóa tên dự án, các cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội có hướng xử lý về xóa nợ tồn đọng; có sự điều tiết về giá thuê đất trong KCN để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước đầu tư vào KCN.
Võ Thanh Lập - Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai