BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Phía Nam
Hơn 400 đại biểu, nhà đầu tư tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai
Thứ Tư, 25/05/2022 03:01
Hơn 400 đại biểu, nhà đầu tư tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu là các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chiều 21/5, tại Thành phố Pleiku, đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội của cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm 2021 là năm thực sự khởi sắc của kinh tế tỉnh Gia Lai.

Tổng sản phẩm trong tỉnh Gia Lai năm 2021 GRDP tăng 9,03% so với năm 2020. Trong thu hút đầu tư, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Thu ngân sách tăng cao, đạt gần 8.000 tỷ đồng. Gia Lai chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có mức thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch tỉnh Gia Lai, với diện tích tự nhiên hơn 15.000 km2, lớn nhất khu vực và lớn thứ 2 cả nước, Gia Lai có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và 44 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên nền văn hoá giàu bản sắc mang đậm dấu ấn của người Tây Nguyên.

Với vị thế là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.

Đặc biệt, có khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng vừa được UNESCO chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

Những năm qua, hạ tầng giao thông của Gia Lai được đầu tư đồng bộ với các tuyến, quốc lộ 19, từ TP.Pleiku đến cảng Quy Nhơn dài 160 km. Quốc lộ 25 từ TP. Pleiku đến TP. Tuy Hoà dài 180 km, đường Hồ Chí Minh (trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai dài 115,18 km). Cảng hàng không Pleiku cũng được nâng cấp mở rộng đủ khả năng tiếp đón các loại máy bay hiện đại, cỡ lớn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh Gia Lai với nhiều địa phương trong cả nước cũng như quốc tế, với tần suất 7-14 chuyến/ngày.

 

Tỉnh Gia Lai đã thu hút được nhiều dự án về năng lượng tái tạo.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000 ha, trong đó nhóm đất đỏ vàng có diện tích gần 754.000 ha, chiếm 48,59% tổng diện tích tự nhiên. Nhóm đất đỏ vàng là nhóm đất có nhiều loại đất quý hiếm, đặc biệt là đất đỏ bazan - loại đất rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng giá trị kinh tế cao. 

Gia Lai cũng là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 21 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, chè,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai...

“Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” mới để Tỉnh chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh bao gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và Du lịch.  Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột được tỉnh đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới “Xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, Chủ tịch tỉnh Gia Lai chia sẻ.

 

Hơn 400 đại biểu, nhà đầu tư tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai

Theo ông Võ Ngọc Thành, Gia Lai bước vào năm 2022 với nỗ lực quyết tâm cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, gặp gỡ và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh Gia Lai đến với cộng đồng các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

“Tỉnh Gia Lai mong muốn Hội nghị là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào Gia Lai. Tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Gia Lai”, ông Thành khẳng định.

Theo Báo Đầu tư
Số lượt đọc: 3707
Thông báo