Ngay sau khi đến sân bay Chubu-Nagoya, chiều 26/5,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự buổi Đối thoại kinh tế cao cấp Việt Nam-
Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển” cùng hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
Thủ tướng nhận định, quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Về đầu tư, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 39 tỷ USD. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam với cán cân thương mại cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau.
Trước các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam, Thủ tướng khẳng định: Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; phát triển nhân lực. Ngoài ra, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, nhất là trong thanh niên trẻ, phấn đấu có một triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.
Khuyến khích doanh nghiệp Nhật đầu tư 6 lĩnh vực
Để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, Thủ tướng đã nêu một số định hướng lớn về đầu tư, thương mại và du lịch.
Về đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc 6 nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức PPP, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Về thương mại, với việc triển khai Hiệp định
TPP, Thủ tướng cho rằng hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản mở cửa thị trường cho trái cây Việt như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện “Made in Việt Nam” đến với người tiêu dùng Nhật Bản cũng như sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản.
Về du lịch, phấn đấu trong thời gian tới số người qua lại giữa hai nước sẽ tăng gấp đôi hiện nay, lên khoảng 1,5 triệu lượt người. Hai bên cần sớm mở thêm các đường bay thẳng và đề nghị Nhật Bản đơn giản hoá thủ tục visa cho du khách Việt Nam.
Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định kinh tế vĩ mô
Sau khi phát biểu, Thủ tướng đã đối thoại, trả lời trực tiếp các vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.
Trả lời câu hỏi về định hướng chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ quan điểm Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn, phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp; coi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của nền kinh tế; bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho nhà đầu tư. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định kinh tế vĩ mô để các nhà đầu tư yên tâm.
“Lợi ích của nhà đầu tư cũng là lợi ích của Chính phủ. Thắng lợi của các bạn cũng là thắng lợi của chúng tôi”, Thủ tướng nói và cho rằng “đây là thời cơ mới, thuận lợi nhất để hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai bên”.
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hioyuki Ishige cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cảm thấy vững tâm trước các thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhiều doanh nghiệp, qua cuộc khảo sát của JETRO, bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Thứ trưởng Quốc vụ khanh, Bộ Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Junji Suzuki khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản. Hiện đã có 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam.
Kim ngạch thương mại năm 2014 tăng gấp 6 lần so với năm 2000. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước là bổ trợ nhau, hai bên cùng có lợi. Trước mắt, Bộ Kinh tế Nhật Bản và Bộ Công Thương Việt Nam đã thống nhất hợp tác nhiều lĩnh vực như dệt may, chống hàng giả, đào tạo công chức, tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực điện nguyên tử, nhiệt điện hiệu suất cao…