Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cùng đại diện các doanh nghiệp đang đầu tư, làm ăn tại Campuchia, doanh nghiệp Việt kiều tại Campuchia, đại diện các đơn vị chuyên môn của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã tham dự tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư khẳng định trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, việc củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia không thể thiếu vai trò và đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, đầu tư tại Campuchia.
Hoạt động phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hiệu quả sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ chính trị, an ninh-quốc phòng giữa hai nước Việt Nam-Campuchia trong bối cảnh hội nhập khu vực.
Tại buổi tọa đàm, các đại diện tham dự đã nghe Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian qua; các vấn đề đặt ra cũng như các khuyến nghị đối với các dự án và doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia.
Đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh tại Campuchia cùng nhau thảo luận về cơ hội và thách thức trong hoạt động đầu tư vào Campuchia; phân tích các thuận lợi, khó khăn và đưa ra kiến nghị với chính phủ và cơ quan chức năng Việt Nam-Campuchia nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu về tiềm năng và định hướng phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-Campuchia cũng như vấn đề bảo hộ pháp nhân Việt Nam tại Campuchia.
Hiện nay, Việt Nam đứng hàng thứ 5 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn đăng ký trên 3 tỷ USD với 129 dự án, trong đó thực hiện giải ngân trên 1,5 tỷ USD.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trồng cao su, phân bón, y tế, ngân hàng, hàng không và viễn thông.
Trong giai đoạn 2009-2014, giao thương giữa hai nước đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 30%/năm.
10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước ước đạt 2,6 tỷ USD và dự kiến cả năm sẽ đạt trên 3,5 tỷ USD.
Hai nước phấn đấu đạt 5 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2015./.