BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 06/12/2024
Ngành, Lĩnh vực
Chuyên gia: Cam kết bỏ điện than của Việt Nam 'rất đáng chú ý'
Thứ Hai, 08/11/2021 11:14
Chuyên gia: Cam kết bỏ điện than của Việt Nam 'rất đáng chú ý'

Các chuyên gia cho rằng cam kết từ bỏ điện than của Việt Nam sẽ góp phần tạo động lực đưa thế giới thoát lệ thuộc vào than đá.

Chính phủ Anh ngày 3/11 ra "Tuyên bố Chuyển đổi từ Than sang Điện sạch Toàn cầu", trong đó 190 quốc gia cam kết dần loại than đá khỏi sản xuất điện và ngừng ủng hộ xây nhà máy điện than mới. Các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này vào thập niên 2040.

 Việt Nam nằm trong nhóm 23 nước lần đầu tiên cam kết từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng hoặc đầu tư nhà máy phát điện mới. "Hồi kết của than đá, tác nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu, đã ở trong tầm mắt", chính phủ Anh nhấn mạnh.

 "Quyết định từng bước bỏ điện than của Việt Nam đặc biệt đáng chú ý, vì Việt Nam là một trong những nước có nhiều nhà máy điện than trên thế giới", Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, đánh giá.

 Theo Bộ Công thương, nhiệt điện than hiện chiếm trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam. Đây là một trong những nguồn cung cấp điện chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, duy trì toàn hệ thống vận hành ổn định.

 Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Thương mại và Chiến lược công nghiệp Anh Greg Hands ngày 25/10 cho biết ngành năng lượng Việt Nam đã và đang trên lộ trình xanh hóa và giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hướng đến một xã hội carbon thấp trong những thập kỷ tới.

 Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tới năm 2030 sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt, hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.

 Dự thảo Quy hoạch điện VIII xác định tổng nguồn nhiệt điện than của Việt Nam tới năm 2030 là 40,7 GW, thấp hơn gần 15GW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

 Chuyên gia Mullyvirta cho rằng quyết định từng bước loại bỏ điện than của Việt Nam và cộng đồng quốc tế sẽ tạo động lực rất lớn đưa thế giới thoát lệ thuộc vào than đá. Ông cũng dự báo sau cam kết từ bỏ than đá của 190 nước, áp lực "cai than đá" và chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch sẽ gia tăng đối với những nước đang sử dụng than đá hàng đầu thế giới, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

 "Áp lực này có thể buộc Trung Quốc đưa ra lộ trình cụ thể và tham vọng hơn trong giảm đốt than đá và xả thải CO2", ông nói. "Ấn Độ cũng đối diện kỳ vọng tương tự sau khi công bố mục tiêu trung hòa carbon và tăng sử dụng năng lượng sạch, nhưng còn rất nhiều dự án điện than mới trên kế hoạch".

 Dave Jones, lãnh đạo tổ chức tư vấn chính sách năng lượng và khí hậu Ember có trụ sở tại London, Anh, hoan nghênh cam kết từng bước chuyển dịch khỏi điện than của Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, cũng như những nước mới tham gia liên minh.

 Ông lưu ý đây là xu hướng chung của thế giới. Ba Lan, được coi là "thành trì than đá cuối cùng" của châu Âu, cũng lần đầu tham gia cam kết chuyển sang năng lượng sạch và sẽ chính thức hoàn thành hành trình thoát ly than đá ở châu lục này.

 Nam Phi và Morocco, hai nước vừa tham gia cam kết chung ở COP26, chiếm 95% điện than tại châu Phi. Tại châu Á, các nước đang phát triển như Việt Nam cũng đã lần đầu tiên cam kết từ bỏ điện than.

 "Động lực này chứng minh thực tế chuyển dịch khẩn trương khỏi than đá sang điện sạch là lựa chọn tốt nhất cho kinh tế, sức khỏe và khí hậu", ông nhận định.

 Một số chuyên gia môi trường bày tỏ lo ngại rằng nỗ lực này là chưa đủ để tạo nên "hồi kết của than đá", khi những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản chưa ấn định thời điểm cụ thể chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

 Tuy nhiên, Jones cho rằng cam kết từ bỏ điện than của 190 nước cho thấy hành trình chống biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính từ Hiệp định Paris năm 2015 đã đạt bước tiến mới. Vạch đích của thế giới đã được thay đổi với tham vọng lớn hơn, từ không xây thêm nhà máy điện than mới sang thống nhất từ bỏ than đá.

 "Đây không phải là một cam kết suông. Đây là nỗ lực trong nhiều năm của mỗi nước, tự nghiên cứu cách thức nhanh nhất để từ bỏ than đá theo lộ trình. Những nước này đều mong chuyển dịch khỏi than đá", ông nhấn mạnh.

Theo vnexpress.net
Số lượt đọc: 635
Thông báo