Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường
Ngày 30/5, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Cuối buổi thảo luận, thay mặt cho cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Đồng tình và đánh giá rất cao việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch từ từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành để giám sát tối cao trong năm 2022, Bộ trưởng khẳng định: “Đây là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là sự đổi mới trong công tác giám sát tối cao của Quốc hội Khóa XV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, phức tạp giúp công tác điều hành của Chính phủ một cách thuận lợi hơn”.
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia nhằm đạt được mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Đó là đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, phải đi trước, mang tính dẫn dắt trong quá trình phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, bảo đảm chất lượng quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu, đã chỉ đạo quyết liệt thông qua các hội nghị trực tuyến toàn quốc, ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể và đạt được một số kết quả nhất định.
Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ lập quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng để triển khai lập quy hoạch các cấp, đã cơ bản hoàn thành 45/111 quy hoạch và đang hoàn thiện để thẩm định, trong đó đã phê duyệt theo thẩm quyền được 7/111 quy hoạch. Tiếp đó, đã hình thành được Khung định hướng đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia và 05 quy hoạch vùng còn lại để làm cơ sở lập các quy hoạch khác.
“Tuy nhiên, đó mới là kết quả bước đầu. Như báo cáo giám sát và các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch là rất lớn, do khối lượng công việc rất nhiều, vấn đề mới, khó, phức tạp từ hệ thống quy hoạch, khái niệm tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch, trình tự lập các quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận và phối hợp trong công tác lập quy hoạch…”, Bộ trưởng nói.
Chất lượng quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu
Khẳng định báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội được chuẩn bị và xây dựng hết sức công phu, toàn diện, khách quan và khoa học, phản ánh đúng tình hình thực tiễn, từ đó chỉ ra được những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, “cơ bản thống nhất” với các nội dung của Báo cáo giám sát của Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội, đồng thời “nghiêm túc tiếp thu” các ý kiến sâu sắc và xác đáng của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu ngày hôm nay.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc Báo cáo Giám sát của Quốc hội đã chỉ ra rõ rằng, ngoài nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập cả Luật Quy hoạch và các luật liên quan vướng mắc rất nhiều, thì việc lập, phê duyệt các quy hoạch chậm còn do triển khai thực hiện giai đoạn đầu chưa quyết liệt, việc tổ chức thực hiện còn tồn tại, hạn chế”.
Đặc biệt, Báo cáo kết quả giám sát đã kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết giám sát để xử lý các tồn tại, hạn chế theo hai bước cả những vấn đề trước mắt cần tháo gỡ ngay và những vấn đề lâu dài, căn cơ.
“Qua báo cáo giám sát đã nêu, rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong quá trình lập quy hoạch thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định như vậy và cho biết, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương nhiều giải pháp.
Trong đó, trước tiên là sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch trên và thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình thực tiễn; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.
“Chất lượng quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu, có tính dẫn dắt trong việc cụ hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, các quy hoạch phải làm sao phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia và khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, thách thức của các ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ và các địa phương; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Khẳng định của Bộ trưởng, đó là sẽ ưu tiên phấn đấu hoàn thành quy hoạch cấp quốc gia và một số quy hoạch quan trọng, cấp bách trong năm 2022; các quy hoạch khác sẽ được tổ chức triển khai và hoàn thành dứt điểm trong năm 2023.