Tiếp tục chuỗi các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2022 và đủ than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương nỗ lực tìm kiếm nguồn than nhập khẩu từ Nam Phi.
Tại buổi làm việc giữa Bộ trrưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Đại sứ Nam phi tại Việt Nam, Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế hậu đại dịch, do đó có nhu cầu lớn về nguồn nguyên nhiên vật liệu, trong đó có than.
Ông nhấn mạnh, việc đa dạng hoá và tìm nguồn cung ứng than tiềm năng là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay, trong đó, Nam Phi là quốc gia có năng lực khai thác và xuất khẩu than lớn, với sản lượng sản xuất gần 260 triệu tấn năm 2020, xuất khẩu chiếm khoảng 30%).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ Nam Phi hỗ trợ giới thiệu, kết nối các đối tác tiềm năng của Nam Phi trong lĩnh vực than, khoáng sản với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc… để đi đến ký kết hợp đồng, đưa các chuyến hàng than về Việt Nam ngay trong tháng 4, tháng 5/2022.
Các loại than do Nam Phi sản xuất là than có chất lượng tốt, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than và các ngành sản xuất của Việt Nam.
Tại COP26, Việt Nam và Nam Phi cùng nhiều quốc gia đã có những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Do đó, từ nay đến năm 2050, hai bên còn nhiều cơ hội để tích cực phát triển hợp tác trong hoạt động Thương mại than.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng mong muốn hai bên xem xét, sớm thống nhất thời gian ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản giữa hai nước. Bộ trưởng tin tưởng rằng việc ký kết thành công MOU sẽ tạo khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản mà còn góp phần phát triển kim ngạch Thương mại song phương.
Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro khẳng định, Nam Phi luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Thương mại, năng lượng và khoáng sản với Việt Nam. Đại sứ cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan hữu quan trong nước để thúc đẩy giải quyết các vấn đề Bộ trưởng Công Thương nêu tại buổi làm việc.
Đại sứ cam kết sẽ trao đổi ngay với Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Nam Phi về nội dung cung ứng than cho Việt Nam cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu than của hai nước. Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cũng đề nghị phía Việt Nam tạo thuận lợi để một số mặt hàng có thế mạnh của Nam Phi có thể tiếp cận thị trường Việt Nam.
Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn than nhập khẩu, chiều 1/4, Bộ trưởng Công Thương đã làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie. Bộ trưởng đề nghị Đại sứ Australia hỗ trợ thúc đẩy để tổ chức ngay cuộc họp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên để sớm thống nhất các hợp đồng mua bán than, đưa các chuyến hàng than đá từ Australia về Việt Nam ngay trong tháng 4 này.
Trước đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu).
Trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại Hợp đồng mua bán, cung cấp than đã ký. Bộ cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có giải pháp điều độ phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện./.