BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Ngành, Lĩnh vực
Xuất khẩu tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA
Thứ Sáu, 06/05/2022 03:46
Xuất khẩu tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA

Tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2021 đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA.

Trong năm 2021, đã có 1,2 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 24% về trị giá và tăng 23% về số lượng bộ C/O so với năm 2020.

GIÀY DÉP CÓ TỶ LỆ SỬ DỤNG C/O ƯU ĐÃI CAO NHẤT

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong nhóm hàng công nghiệp, mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm nhẹ 2,78% so với năm 2020.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho rằng, tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam.

Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi.

Nhựa và cao su là nhóm sản phẩm đứng thứ hai với tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi lần lượt là 69,02% và 67,37% với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 2,87 tỷ USD và 2,38 tỷ USD, tăng tương ứng 33,25% và 30,42% so với năm 2020.

Tiếp đó là sản phẩm dệt may với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 9,14 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 59,90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này (hơn 15,26 tỷ USD) sang các thị trường có FTA và tăng 13,35% so với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi của mặt hàng này năm 2020.

Nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản cũng có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA như thủy sản (66,34%), rau quả (65,16%), chè (47,35%) và hạt tiêu (42.03%).

DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG MFN NHIỀU HƠN C/O

Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 18,9 tỷ USD.

Tiếp đó là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN và Hàn Quốc với trị giá lần lượt là 11,6 tỷ USD và 11,2 tỷ USD. Lượng hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan từ Việt Nam sang thị trường Lào, Campuchia và Cuba có kim ngạch không đáng kể.

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ thị trường Lào và Campuchia không cao do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp thường tận dụng ưu đãi trực tiếp từ Hiệp định ATIGA.

Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, thị trường Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ AIFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ) cao nhất với 68,7%. Tiếp theo là thị trường Chile và Hàn Quốc với tỷ lệ tận dụng lần lượt là 61,8% và 51%.

Tính chung tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2021 là 32,66%. Bộ Công Thương lý giải, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 32,66% không có nghĩa là hơn 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao.

Thực tế, thuế nhập khẩu MFN (mức thuế bình quân hiện hành) tại một số thị trường đã là 0%, hoặc ở mức rất thấp 1-2%, hoặc tương đương với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo FTA. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O ưu đãi khi xuất khẩu bởi việc có hay không có C/O ưu đãi không tạo sự khác biệt về thuế quan.

Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore có sử dụng C/O mẫu D trong năm 2021 đạt 322,7 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 8,13% trong 3,97 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế MFN của nước này đã là 0% nên doanh nghiệp không cần thiết xin C/O ưu đãi khi xuất khẩu.

Tương tự, Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó mặt hàng thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.

Kim ngạch cấp C/O mẫu CPTPP trong năm 2021 đạt 2,5 tỷ USD, bằng 6,34% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu sang các thị trường này không cao là do hầu hết các nước đối tác đều đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn so với CPTPP trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EU và Anh không qua cao (lần lượt ở mức 20,18% và 17,19%). Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như gạo (100%), giày dép (98,02%), thủy sản (76,9%), nhựa và sản phẩm nhựa (70,63%).

Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn có thể tăng hơn nữa do hiện tại, đối với thị trường EU và Anh vẫn đang tồn tại song song 2 ưu đãi GSP và EVFTA/UKVFTA. Nên doanh nghiệp vẫn đang áp dụng cả 2 cơ chế này khi xuất khẩu hàng hóa sang EU/Anh và lựa chọn C/O mẫu EUR.1 hoặc C/O mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ theo cơ chế REX để hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế tương ứng khi xuất khẩu sang EU/Anh.

Giới chuyên gia nhận định, các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan.

 

Theo VnEconomy
Số lượt đọc: 1938
Thông báo