BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Tin dự án
Định hướng xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH khu vực ĐBSCL
Thứ Ba, 01/09/2020 01:27

Hội nghị trực tuyến giữa các điểm cầu tại Hà Nội và khu vực ĐBSCL. Ảnh:VGP.

Hội nghị được tổ chức nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 và năm 2021. Trước đó, 2 cuộc họp trực tuyến đã được Bộ KH&ĐT tổ chức với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong 2 ngày 26-27/8.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nêu lên một số định hướng quan trọng trong việc lập kế hoạch. Cụ thể, các đơn vị, địa phương đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế hiện tại, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công 2021-2025 sát với thực tế, đặc biệt có tính đến cả những thách thức phát sinh trong bối cảnh “bình thường mới”.

Việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát huy các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phát triển KTXH 2021-2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo sự phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người. Các định hướng phát triển phải hướng tới người dân là trọng tâm, quan tâm tới đời sống, hạnh phúc của người dân, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững; đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch phát triển vùng, miền.

Riêng với Vùng Đông Nam Bộ còn cần đặc biệt ưu tiên phải huy động nguồn lực để đầu tư các công trình cảng biển, sân bay, đường kết nối cảng... phân bổ nguồn hàng hợp lý để sử dụng hiệu quả các cảng biển trong Vùng trong đó có cảng Cát Lái và cảng Cái Mép-Thị Vải.

Còn vùng ĐBSCL cần tập trung đầu tư giải quyết các điểm nghẽn là giao thông, các hồ chứa nước, trữ nước, khắc phục sạt lở bờ sông bờ biển.

Phát triển hành lang giao thông thành các hàng lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp (KCN), các khu dân cư xung quanh tạo thành một động lực phát triển mới.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối vùng hoạt động thực chất, hiệu lực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ để giải quyết căn cơ các vấn đề liên vùng như môi trường các lưu vực sông. Cần ưu tiên các dự án lớn có tính lan tỏa cao, ưu tiên các dự án có tính liên kết vùng, kết nối được với giao thông hướng ngoại, mở rộng hiệu quả, kết hợp hài hòa sắp xếp lại dân cư.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như các địa phương khác, lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL cần bám sát chỉ đạo, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như các hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Đồng thời,  cần có tư duy không chỉ trông chờ vào ngân sách mà còn phải huy động nguồn lực đa dạng để đáp vì nhu cầu phát triển rất lớn tại địa phương. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tạo hành lang pháp lý tương đối tốt để kêu gọi các nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh:VGP.

Có thể nói, công tác lập kế hoạch đến nay đã được Bộ KH&ĐT đổi mới khá toàn diện. Trước đây, vào thời điểm này hàng năm, các địa phương sẽ tới Bộ để báo cáo về tình hình phát triển KT-XH năm, chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm sau.

Tuy nhiên, từ năm 2017, khi nhận thấy cách làm kế hoạch cũ không còn phù hợp, Bộ KH&ĐT đã đề nghị thay đổi, thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, thì sẽ làm theo quy mô từng vùng.

Công tác lập kế hoạch còn tạo được đột phá mới, căn cứ từ tính chất quan trọng của thời điểm hiện nay, các địa phương và cả nước đang chuẩn bị Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới, đang xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, các bộ, ngành, địa phương đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, khi cho ý kiến định hướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, hay kịch bản cho những tháng cuối năm nay chính là thể hiện sự khát vọng phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm nay mà cả năm 2021, các kế hoạch này phải được xây dựng theo tư duy mới, đặc biệt là các giải pháp về bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và đời sống của nhân dân.

Về đầu tư cho phát triển, Thủ tướng yêu cầu bên cạnh việc tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần phải có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để đóng góp vào phục hồi nền kinh tế.

Số lượt đọc: 283
Thông báo