BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Tin dự án
TP HCM mời gọi Mỹ tham gia đầu tư 3 đề án lớn
Thứ Ba, 25/08/2020 05:49
TP HCM mời gọi Mỹ tham gia đầu tư 3 đề án lớn

Ba đề án TP HCM muốn Mỹ tham gia gồm xây dựng Thành phố thông minh, Thành phố Thủ Đức và Trung tâm Tài chính Quốc tế.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp TP HCM - Hoa Kỳ với chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác, sáng tạo vì tương lai thịnh vượng" ngày 25/8, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, cả 3 đề án bước đầu đã nhận được sự đóng góp, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp của Mỹ.

Cụ thể, đề án Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức đang trình Trung ương được định hướng theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, gắn liền với kinh tế tri thức. Đề án đã chọn thiết kế quy hoạch của Sasaki - một công ty có trụ sở tại Mỹ, để triển khai.

Với đề án Trung tâm Tài chính Quốc tế, Đại học Fulbright Việt Nam đang là đơn vị tư vấn và đã soạn thảo đề cương sơ bộ, tiến tới triển khai đề án khả thi. "Chúng tôi biết rằng còn khoảng cách giữa hiện tại và mục tiêu đặt ra. Do đó, chúng tôi muốn không chỉ sử dụng nguồn lực sẵn có mà còn huy động từ nguồn lực bên ngoài", ông Dương Anh Đức nói.

Cũng theo ông Đức, Trung tâm Tài chính Quốc tế sẽ cho phép Thành phố bắt kịp xu hướng toàn cầu hoá về đầu tư thương mại và công nghệ tài chính. Trong các giai đoạn tiếp theo, đề án muốn nhận được hợp tác của các đối tác Mỹ trong 3 vấn đề gồm: đào tạo nhân lực; đề xuất khung pháp lý và tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng tài chính tại Thủ Thiêm để kết nối với các trung tâm tài chính thế giới.

Riêng đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025", ngay trong sáng 25/8, Sở Thông tin và Truyền thông đã ký thỏa thuận với Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) cho dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh cho TP HCM" với tổng giá trị hơn 1,45 triệu USD.

Liên quan đến các trụ cột khác trong đề án này, TP HCM kêu gọi doanh nghiệp Mỹ tham gia vào đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nhân lực cho trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế xã hội; cũng như chia sẻ kinh nghiệm điều hành, quản lý dữ liệu cho trung tâm an toàn thông tin.

Tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu 9 lý do thuận lợi của địa phương để các doanh nghiệp đầu tư vào. Đó là Thành phố có các lợi thế như là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu về năng suất lao động, cơ sở hạ tầng phát triển hướng đến thông minh, thuận lợi cho người nước ngoài đến sống và làm việc. Trong thập niên qua, có hơn 160 doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Thành phố với tổng giá trị xuất khẩu đến 64 tỷ USD.

Ngoài ra, Thành phố Thủ Đức, với diện tích 210 km2 được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ 3 ngay sau TP HCM và Hà Nội. Đây cũng là trung tâm về đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và tập trung nhiều viện trường, cơ quan nghiên cứu.

Tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao môi trường đầu tư ở TP HCM nhưng cũng mong muốn cải thiện ở các mặt khác.

Ông Kim Huat Oei, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, nửa đầu năm nay, sản lượng của công ty tăng 30%. "Đây là con số không thể tưởng tượng được, không chỉ nhờ bản thân chúng tôi mà còn nhờ điều kiện chính trị ổn định, sự phản ứng kịp thời với đại dịch của chính quyền", ông nói.

Intel cho hay sẽ tiếp tục đầu tư lớn trong những năm tiếp theo. Công ty mong muốn có sự cải thiện về quản trị nguồn tài nguyên con người, chống tham nhũng và bảo vệ luật sở hữu trí tuệ và củng cố các chính sách bảo vệ mội trường. Ông Kim Huat Oei cũng đánh giá chuỗi cung ứng công nghệ cao ở Việt Nam nói chung còn sơ khởi và cần nỗ lực phát triển.

Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey Việt Nam, cho rằng vấn đề chung của Việt Nam là năng suất làm việc chưa cao. Theo ông, nếu muốn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, năng suất lao động cần cải thiện 50%.

Ông Seck Yee Chung, người đứng đầu mảng M&A của Baker McKenzie tại Việt Nam cũng đánh giá, TP HCM là điểm đến tuyệt vời. Các lãnh đạo đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư công nghệ cao. Vấn đề là khi các FDI bước chân vào rồi thì giữ chân họ thế nào.

Cùng với đó, tầm nhìn phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo phía đông thành phố là tốt nhưng cần lưu ý cải thiện hạ tầng cơ sở và tăng sử dụng năng lượng mới. Vị này cũng kỳ vọng Việt Nam sớm đẩy nhanh việc cho phép các chuyên gia đến làm việc trong bối cảnh vẫn tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

"TP HCM sẽ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, gia tăng năng lực điều hành của chính quyền, nâng cao sự hài lòng của người dân. Song song đó, Thành phố luôn lắng nghe và phản hồi tích cực với các nhà đầu tư để TP HCM không chỉ là nơi đến mà còn là nơi đầu tư lâu dài và phát triển của các doanh nghiệp Mỹ", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM nêu cam kết với cộng đồng doanh nghiệp tại sự kiện.

Số lượt đọc: 364
Thông báo