BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 09/01/2025
Tin dự án
Việt Nam thu hút R&D từ các tập đoàn lớn bằng thể chế vượt trội
Chủ Nhật, 11/10/2020 08:57

Động thái mới của Tập đoàn LG lại khiến Việt Nam đặt kỳ vọng về việc sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư sẵn sàng dốc vốn thực hiện việc nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song theo kế hoạch, Tập đoàn LG sẽ thành lập một trung tâm R&D để thực hiện việc R&D các giải pháp về linh liện xe hơi và công nghệ thông tin tại Đà Nẵng. Lễ ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc triển khai dự án này đã được Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi tại Việt Nam (LG VS) thuộc Tập đoàn LG và Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) TP. Đà Nẵng ký kết hôm 6/10.

Thậm chí, không chỉ là bước đi ban đầu này, trong chiến lược của mình, LG còn xác định Đà Nẵng sẽ là “cứ điểm” R&D công nghệ thông tin của cả Tập đoàn. Chia sẻ về chiến lược này, ông Jung Seung Ming, Giám đốc LG VS nói rằng, LG muốn chọn Đà Nẵng để tạo ra “một câu chuyện mới” về R&D trong lĩnh vực điện tử. Và rằng, LG có tham vọng trở thành “đơn vị hàng đầu” trong lĩnh vực R&D tại Việt Nam.

Như vậy, theo chân người đồng hương Samsung, LG cũng đã bắt đầu nuôi tham vọng lớn ở thị trường Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà cả trong lĩnh vực R&D, dù trước mắt là tập trung vào R&D các giải pháp phần mềm liên quan đến hệ thống thông tin giải trí, vận hành, kết nối 3G, 4G cho xe ô tô.

Hiện cả hai “ông lớn” điện tử Hàn Quốc đều đang biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Trong khi LG “đóng đô” ở Hải Phòng, với 3 dự án LG Electronics, LG Display và LG Innotek, thì Samsung chọn Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, với SEV, SEVT và SEHC.

Ngoài ra, Samsung vào đầu năm nay đã quyết định “chơi lớn” bằng việc chi 220 triệu USD xây dựng riêng một trung tâm R&D, đồng thời xác định đây sẽ là một trong những trung tâm R&D chiến lược của Tập đoàn trên toàn cầu. Thậm chí, đây là lần đầu tiên, Samsung triển khai xây dựng một tòa nhà riêng ở nước ngoài để phục vụ cho hoạt động R&D.

Việc xây dựng trung tâm này đang được Samsung tiến hành, bất chấp những tác động của Covid-19. Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, tháng 10 này, Samsung bắt đầu việc xây dựng phần nổi của Trung tâm.

Dù quy mô, kế hoạch cụ thể của LG chưa được tiết lộ, song tham vọng đã được đưa ra. Và động thái này ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận, bởi thực tế lâu nay, Việt Nam rất mong muốn thu hút đầu tư vào R&D, song tình hình khá khiêm tốn.

Thu hút R&D bằng thể chế vượt trội

Không chỉ các nhà đầu tư, mà Việt Nam cũng đang nuôi tham vọng lớn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực R&D. Trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, đổi mới sáng tạo được coi là một đột phá chiến lược. Còn trong các định hướng chiến lược về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, thu hút đầu tư vào công nghệ cao, đầu tư cho R&D luôn được nhắc đến trước tiên. Tuy nhiên, làm sao để hiện thực hóa được tham vọng đó là điều không đơn giản.

Theo quy định tại Luật Đầu tư sửa đổi, hoạt động R&D được xác định là ngành nghề ưu đãi đầu tư. Thậm chí, Điều 20, Luật Đầu tư còn quy định, các dự án thành lập trung tâm R&D có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sẽ được áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt, cao hơn quy định hiện hành của Luật và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thực tế, kể từ khi bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã rất kỳ vọng vào việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ đầu tư lớn cho hoạt động R&D tại đây. Dù đang dần trở thành công xưởng của thế giới, với sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ từ Intel tới Samsung, LG, Microsoft…, nhưng Việt Nam chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư cho R&D.

Ngoài Samsung “chơi lớn”, với vốn đầu tư lớn và hiện quy tụ gần 2.000 kỹ sư, chỉ có thể kể đến vài cái tên đã và đang quan tâm đến R&D tại Việt Nam. Đáng kể nhất là Tập đoàn Bosch, với Trung tâm R&D công nghệ ô tô có vốn đầu tư 17 triệu euro, được xây dựng từ năm 2014 và cho đến nay, đã thu hút được trên 70 kỹ sư chuyên phát triển các công nghệ, sản phẩm và giải pháp toàn diện cho thị trường trong và ngoài nước.

Gần đây, Qualcomm cũng bắt đầu thực hiện việc R&D tại Việt Nam. Đây được coi là cơ sở R&D đầu tiên của Qualcomm ở khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên quy mô còn nhỏ. Ngoài LG, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, một tập đoàn của châu Âu cũng đang lên kế hoạch xây trung tâm R&D tại Hà Nội. Thông tin này vẫn đang được bảo mật.

Nghĩa là, động thái gần đây đã tích cực hơn. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận là thu hút đầu tư vào R&D còn hạn chế. Và đấy chính là lý do vì sao, trong chiến lược giai đoạn tới, Việt Nam sẵn sàng đưa ra các thể chế, chính sách vượt trội để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Để thu hút đầu tư vào R&D, vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã quyết định xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Hòa Lạc, dự kiến khởi công vào cuối năm nay. “NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo duy nhất mà Chính phủ có một nghị định riêng để trao cho các thể chế vượt trội, tạo điều kiện phát triển và hoạt động hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Đó chính là Nghị định 94/2020/NĐ-CP, được Chính phủ đã ban hành vào cuối tháng 8/2020. Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước khi đầu tư vào NIC sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhất, không chỉ về thuế, thủ tục đầu tư, mà còn trong cả vấn đề thị thực, tín dụng, đất đai…

 

Theo Tham khảo
Số lượt đọc: 807
Thông báo