BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tin dự án
Việt Nam trước cơ hội đón nhận một làn sóng FDI mới sau đại dịch covid-19
Chủ Nhật, 03/07/2022 01:50

Việt Nam đã tập trung phát huy nội lực, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội.

Trong 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID 19, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó,  Việt Nam đã tập trung phát huy nội lực, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội. GDP năm 2021 tăng 2,58%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới; mục tiêu đạt từ 6,5-7% cả năm. Chỉ số lạm phát duy trì ở mức thấp với CPI 7 tháng năm 2022 đạt 2,54%, dự kiến cả năm thấp hơn 4%. Công tác thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả khả quan, là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của đất nước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm 2021 đạt trên 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020, 7 tháng đầu năm đạt trên 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây có thể coi là điểm nhấn về thu hút ĐTNN trong bối cảnh bùng phát của đại dịch tại Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020 nhưng 7 tháng năm 2022 tăng trở lại đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất trong 5 năm qua. Điều này cho thấy nhu cầu tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động của các dự án hiện hữu vẫn tiếp tục tăng, bất chấp tác động của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp ĐTNN đã thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới và dần hồi phục, duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng dự án.

Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ĐTNN đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng. Một số tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, cụ thể: Apple, Dell, Foxconn, Pegatron,…Với vai trò là đầu tàu xuất khẩu, các doanh nghiệp ĐTNN đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cung cấp nguyên phụ liệu và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp này.

Tiềm năng, cơ hội trong thu hút đầu tư

Giai đoạn sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.

 Thứ nhất, với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư. Việt Nam đang có cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các Tập đoàn đa quốc gia. Các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng đón nhận dịch chuyển đầu tư đều là các ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam như: chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và linh kiện, công nghiệp chế biến, ô tô ...

Thứ hai, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo cấp cao Đảng và nhà nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với nước ta trong năm 2022 và thời gian tới.

Thứ ba, với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, mội trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở lên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà ĐTNN. Vừa qua, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, là thành viên của 15 FTA với 60 quốc gia và vùng lãnh  thổ, là thị trường rộng lớn đầy tiềm năng. Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới trong năm 2020.

Thứ năm, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng “Trung Quốc +1” mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới. Qua đó, sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng đầu tư (về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị), có thể góp phần hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước.

Thứ sáu, Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút ĐTNN phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam (chưa có nhiều dự án ĐTNN) như: trang thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin...

Khó khăn, thách thức       

Bên cạnh các thời cơ, thuận lợi nêu trên thì Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đón nhận làn sóng đầu tư mới.

Thứ nhất, cạnh tranh thu hút ĐTNN giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid-19 sẽ ngày càng gay gắt do nguồn cung ĐTNN giảm trong khi nhu cầu thu hút ĐTNN phục hồi kinh tế gia tăng. Trong khi đó nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển đang có những điều chỉnh chính sách nhằm thu hút trở lại các nhà đầu tư về thị trường nước mình.

Thứ hai, việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động FDI tại Việt Nam. Các ưu đãi về đầu tư trong ngắn hạn, đặc biệt là đối với các năm đầu thực hiện dự án sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cần có cơ chế đảm bảo được các ưu đãi về đầu tư, trong khi vẫn tuân thu theo những hiệp định mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Thứ ba, cơ chế, chính sách về ĐTNN vẫn còn chồng chéo, công tác quản lý nhà nước về ĐTNN tại các địa phương còn thiếu gắn kết, chưa theo đúng định hướng, dẫn đến việc thu hút ĐTNN thiếu tính hệ thống, hiệu quả chưa cao;

Thứ thứ, thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới. Nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ năm, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất. CNHT của Việt Nam còn nhiều hạn chế, khả năng tự chủ chưa cao. Việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể như ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7-10%; điện tử viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

  Một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong bối cảnh mới

  Tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ  về phê duyệt chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 đã đưa ra 3 mục tiêu đầy tham vọng : (i) Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn ĐTNN cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 – 2030 cả Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ (ii) Tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam; (iii) Đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài và đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Xây dựng thể chế, chính sách cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...Đặc biệt, cần đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thế hệ mới thay thế dần các chính sách thu hút đầu tư hiện nay khai thác lợi thế cạnh tranh truyền thống đang dần không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ban hành danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao, như: hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, logistics,... xây dựng và phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, kết nối với trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng, của địa phương và doanh nghiệp nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời, tạo sự kết nối, lan tỏa, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước.

Thứ ba, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa: Có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp ĐTNN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích chuyển hướng thu hút ĐTNN bằng nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với các Tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đào tạo theo “đơn đặt hàng”.

Thứ năm, hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương với địa phương, tăng cường kết hợp xúc tiến đầu tư cấp quốc gia, vùng và trong các hoạt động đối ngoại cấp cao nhà nước; nâng cao tính chuyên nghiệp, cải thiện nội dung và hình thức XTĐT, trong đó, ưu tiên tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài thông qua các công cụ quản trị hiện đại, có tính hệ thống, cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện, có những cảnh báo sớm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp, điều chỉnh, thu hồi dự án đầu tư nước ngoài, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư...  Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không triển khai hoặc không thực hiện đúng cam kết.  

Số lượt đọc: 3481
Thông báo