BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Tin dự án
Nhiều chỉ số kinh tế cải thiện, xuất siêu kỷ lục gần 17 tỷ USD
Thứ Ba, 29/09/2020 01:22

Sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, thương mại, vận tải có dấu hiệu tăng trở lại, chứng khoán có tín hiệu phục hồi, giải ngân đầu tư công cải thiện rõ rệt, xuất siêu gần 17 tỷ USD, số hộ thiếu đói giảm mạnh… là những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm.

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020, Tổng cục Thống kê cho rằng, mặc dù kinh tế - xã hội Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động, thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm…, song các lĩnh vực kinh tế - xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc.

Cụ thể, về ngành công nghiệp, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành này trong quý III/2020 chỉ đạt 2,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.

“Tuy nhiên do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2020 đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bêncạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Thương mại, vận tải có dấu hiệu tăng trở lại

Hoạt động thương mại, vận tải trong nước tháng 9 có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, khách quốc tế đến nước ta tiếp tục đạt thấp do Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVI-19 chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tính chung 9 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hơn 97% là khách quốc tế đến trong quý I/2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6%, trong đó quý III ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động vận tải tháng Chín có những tín hiệu tích cực hơn với mức tăng 6,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4,5% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước.

Chứng khoán có tín hiệu phục hồi, giải ngân đầu tư công cải thiện rõ rệt

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 22/9/2020 đạt mức thấp 5,12%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước trở lại trạng thái bình thường. Tính chung 9 tháng, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 228,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm sáng đáng chú ý khác là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Cụ thể, vốn khu vực Nhà nước đạt 484,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 641,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% và tăng 2,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 319,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% và giảm 2,5%.

Xuất siêu gần 17 tỷ USD

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý II năm 2020 (tăng 26,6% so với quý I); có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thương mại tháng 9 ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.

Số hộ thiếu đói giảm mạnh

Mặc dù 9 tháng năm nay chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân nên nhìn chung đời sống dân cư cả nước giữ ổn định; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Trong tháng 9 và quý III năm nay không có địa phương nào phát sinh thiếu đói. Tính chung 9 tháng năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,5% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo./.

Số lượt đọc: 258
Thông báo