1. Về tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam:
Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam, tính đến 20/9/2020 tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 59,86 tỷ USD với 4.595 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 2/138 đầu tư tại Việt Nam.
Riêng 9 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là 1,73 tỷ USD, đứng thứ 4/111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng.
Phân theo ngành
Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 19 ngành, lĩnh vực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và đang tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như: công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.812 dự án tổng vốn đầu tư 39,46 tỷ USD (chiếm 66% tổng vốn đầu tư); hoạt động kinh doanh bất động sản với 96 dự án, tổng vốn đầu tư 6,88 tỷ USD (chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 17 dự án, vốn đầu tư 6,05 tỷ USD (chiếm 10% tổng vốn đầu tư)…
Phân theo địa phương
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào 56 địa phương trong cả nước. Trong đó, Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với tổng vốn đầu tư 12,52 tỷ USD (chiếm 20% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là Hà Nội với 1.306 dự án và tổng vốn đầu tư 10,4 tỷ USD (chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các địa phương Bình Dương, Thành phố Hồ CHí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng…
2. Các dự án đầu tư tiêu biểu của Nhật Bản vào Việt Nam:
Dự án Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2008, dự án liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản với Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Vốn đăng ký 9 tỷ USD tại tỉnh Thanh Hoá.
Dự án Thành phố thông minh, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2018, dự án liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản với Công ty cổ phần tập đoàn BRG vào Hà Nội. Vốn đăng ký đạt 4,13 tỷ USD.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2017. Dự án 100% vốn Nhật Bản, vốn đầu tư đăng ký đạt 2,79 tỷ USD.