BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 10/01/2025
Tin dự án
Chống chuyển giá không chỉ với doanh nghiệp FDI
Thứ Ba, 22/09/2020 09:59

Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Chuyển giá gây bất bình đẳng trong cạnh tranh

Kết quả chống chuyển giá thời gian qua có chuyển biến tích cực, một phần nhờ nỗ lực của cơ quan quản lý thuế, phần khác là do Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ hơn và tiến gần với thông lệ quốc tế trong việc kiểm soát chuyển giá, nhưng đặt trong bối cảnh mới, đặc biệt là việc thực thi CPTPP và EVFTA, thì đã đến lúc phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý này.

Hiện tại, nhìn nhận về chuyển giá chỉ được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các công ty đa quốc gia. Song, theo PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, trên thực tế chuyển giá không chỉ được thực hiện bởi công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà còn được thực hiện bởi các doanh nghiệp có nhiều công ty con chỉ hoạt động kinh doanh trong nước, hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ thân nhân (vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em ruột…) với nhau.

Động cơ của hành vi chuyển giá không gì khác chính là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi điều tiết thấp hơn và ngược lại. Hành vi này không có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hành vi chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. “Khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện, nhưng hoạt động đúng pháp luật”, ông Trường bình luận.

Bổ sung trường hợp có giao dịch liên kết

Ông Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã thiết lập và dần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo ra cơ sở pháp lý nhất định cho việc đấu tranh chống chuyển giá của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động này cần phải tiếp tục hoàn thiện bởi hoạt động chuyển giá ngày càng phức tạp hơn.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP tiếp tục giữ nguyên mức khống chế chi phí lãi vay được trừ là 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo tối đa là 5 năm như quy định tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP, thay vì mức khống chế tối đa 20% và thời gian chuyển chi phí lãi vay không được trừ tối đa là 3 năm như Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Để chống chuyển giá hiệu quả, theo ông Hải, không chỉ có nỗ lực, kinh nghiệm của cơ quan quản lý thuế, mà cần nhiều điều kiện khác và tất cả những điều kiện này phải được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Hiệu quả đạt được trong chống chuyển giá còn khiêm tốn là do hiện nay chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách nhà nước phục vụ chống chuyển giá như chi phí để mua thông tin, điều tra, xác minh…; chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan như công an, kế hoạch - đầu tư, tham tán kinh tế Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ cơ quan thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá.

“Hiện chưa có cơ quan chuyên trách ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề thông tin ở tầm quốc tế, chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng, chưa có được nguồn thông tin đa dạng và cập nhật kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước và nguồn thông tin khác đã hạn chế hoạt động chống chuyển giá, trong khi chuyển giá luôn là vấn đề nóng, phức tạp, diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới”, ông Hải nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chống chuyển giá những năm gần đây chưa như mong đợi, có nguyên nhân là hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết chưa hoàn thiện, trong đó chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế như nhiều nước trong khu vực.

Pháp luật của các nước trong khu vực đều có chế tài rất mạnh đối với hành vi chuyển giá, như Singapore quy định mức xử phạt chung cho các hành vi vi phạm pháp luật về thuế từ 100% đến 400% khoản thuế phải trả. Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48%/tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá (Việt Nam là 0,03%/ngày, tương đương 0,9%/tháng). Malaysia phạt từ 100% đến 300% số thuế bị phát hiện gian lận, đồng thời công khai danh tính doanh nghiệp có hoạt động chuyển giá nhằm chiếm đoạt tiền thuế...

Số lượt đọc: 752
Thông báo