Mục tiêu tiềm năng trong thu hút dòng vốn đầu tư Singapore vào Việt Nam trong thời gian tới được đưa ra thảo luận giữa Bộ KHĐT và cơ quan liên quan phía Singapore là cùng bổ trợ, bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển, trên nền tảng khoa học, công nghệ…
Đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm
Chiều 17/9, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Singapore đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp thuộc hơn 80 hiệp hội doanh nghiệp và phòng thương mại của Singapore từ các điểm cầu của Singapore và khắp nơi trên thế giới.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc cho rằng sự hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp; công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao, tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Theo ông Douglas Foo, Chủ tịch Liên đoàn sản xuất Singapore kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Hội nghị vẫn được diễn ra theo hình thức trực tuyến thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng lớn của doanh nghiệp Singapore tới môi trường đầu tư của Việt Nam và thể hiện khả năng thích ứng với tình hình để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.
Điểm đến nên lựa chọn
Theo như phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương là “sáng chế ở Singapore, sản xuất ở Việt Nam và cung cấp cho khu vực ASEAN và thế giới”.
Theo lãnh đạo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Singapore vào Việt Nam ngày càng tăng, trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là thương mại và bất động sản; Singapore là đối tác lớn thứ ba về đầu tư (chiếm khoảng 14% tổng vốn FDI tại Việt Nam), đối tác thương mại lớn thứ 12 (kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 7,3 tỷ USD năm 2019).
Việt Nam được lựa chọn là điểm đến đầu tư của nhiều nhà đầu tư với những lợi thế như chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào, dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập quốc tế sâu rộng; chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược. Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, hợp tác để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn; xây dựng khung pháp lý ngày càng thuận lợi hơn với cơ chế thông thoáng, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư; thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài nhằm tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư.