Cuộc tấn công của đại dịch vào "Giấc mơ Ấn Độ" có thể được nhìn thấy dễ dàng trên những con đường tại khu công nghiệp ở Surat. Đó là các nhà máy dệt đã mất nhiều thế hệ để xây dựng nhưng giờ chỉ sản xuất khoảng một phần mười số vải từng làm. Đó là những khuôn mặt gầy guộc, của những gia đình may các bộ Sari, vì kinh doanh ế ẩm nên cắt giảm rau và sữa. Và đó cũng là các tiệm cắt tóc, cửa hàng điện thoại vắng người, bởi khách hàng không còn lui tới vì số tiền tiết kiệm ít ỏi đang vơi dần.
Ashish Gujarati, người đứng đầu hiệp hội dệt may ở khu Surat của Ấn Độ, đứng trước một nhà máy bỏ hoang với vẻ mặt đầy mệt mỏi và hỏi: "Bạn thấy cái ống khói đó không? Từng có khói bốc ra từ nó".
Cách đây không lâu, Ấn Độ đứng trước một tương lai hoàn toàn khác. Họ tự hào về một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đang đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, xây dựng các siêu đô thị hiện đại và tích lũy "hỏa lực" địa chính trị mạnh mẽ. Ấn Độ mong muốn mang lại cho người dân của mình một lối sống trung lưu, nâng cấp quân đội, trở thành một siêu cường kinh tế và chính trị trong khu vực, một ngày nào đó có thể sánh ngang với Trung Quốc, câu chuyện thành công lớn nhất của châu Á.
Một góc khu công nghiệp ở Surat, Ấn Độ, Ảnh: NYT.
Nhưng đại dịch tàn phá kinh tế ở Surat và trên khắp đất nước, đang hủy hoại nhiều khát vọng của Ấn Độ. Nền kinh tế Ấn Độ đã thu hẹp nhanh hơn bất kỳ quốc gia lớn nào khác. Theo một số ước tính, khoảng 200 triệu người có thể tái nghèo. Nhiều con phố sôi động giờ vắng tanh, với những người quá sợ hãi về sự bùng phát dịch nên không dám đi đâu xa.
Phần lớn thiệt hại này là do lệnh phong tỏa, mà các chuyên gia cho là "vừa quá chặt lại vừa quá rỗng", tức vừa gây tổn hại cho nền kinh tế lại vừa lây lan virus. Ấn Độ là một trong những nước đang có tốc độ lây lan virus nhanh nhất, với hơn 80.000 ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày.
Theo The New York Times, sự bất ổn đang len lỏi ở Ấn Độ. Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, đi cùng với các vấn đề về tôn giáo và xung đột biên giới. Trong một chương trình phát thanh gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thừa nhận đất nước đang "chiến đấu trên nhiều mặt." Ông kêu gọi người dân duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, giữ "sự vui vẻ và nồng nhiệt".
Ấn Độ vẫn có thế mạnh. Họ có một lực lượng lao động trẻ, khổng lồ và vô số các thiên tài công nghệ. Họ đại diện cho một giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc vào thời điểm mà Mỹ và một số nước khác đang lạnh nhạt với Bắc Kinh.
Nhưng tầm vóc của họ đang tuột dốc. Quý trước, nền kinh tế Ấn Độ giảm 24%, trong khi Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại. Các nhà kinh tế cho rằng Ấn Độ có nguy cơ mất vị trí là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.
"Đây có lẽ là tình huống tồi tệ nhất mà Ấn Độ phải trải qua kể từ khi độc lập", Jayati Ghosh, Nhà kinh tế học phát triển tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nhận định. "Mọi người không có tiền. Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư nếu không có thị trường. Và chi phí đã tăng lên trong hầu hết hoạt động sản xuất", ông cho biết thêm.
Nhiều khu phố ở thủ đô New Delhi, nơi những người lao động thu nhập thấp từng sống nay trở nên vắng vẻ, trơ trọi. Một cơn gió nóng thổi qua những căn lều trống, dựng bằng vách thiếc. Cách đây vài năm, khi nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức 9%, rất khó để thuê một chỗ ở đây.
Theo từng quý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm, từ 8% vào năm 2016 xuống còn 4% ngay trước đại dịch. Bốn phần trăm sẽ là đáng nể đối với một quốc gia phát triển như Mỹ. Nhưng ở Ấn Độ, mức đó không phù hợp với hàng triệu thanh niên tham gia lực lượng lao động mỗi năm.
Các nhà đầu tư từng phàn nàn rằng Ấn Độ có chính sách đất đai rườm rà, luật lao động hạn chế. Một số còn nói, sự tự tin và chuyên chế của ông Modi cũng có mặt tiêu cực. Ví dụ, 4 năm trước, ông đột ngột xóa sổ gần 90% tiền giấy của Ấn Độ để ngăn chặn tham nhũng và khuyến khích thanh toán kỹ thuật số. Các nhà kinh tế cổ vũ cả hai mục tiêu này. Tuy nhiên, họ cho rằng cách triển khai lúc bấy giờ đã gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.
Sự "bốc đồng" đó tái diễn khi đại dịch xảy đến. 8h tối ngày 24/3, sau khi ra lệnh cho tất cả người Ấn Độ ở trong nhà, ông Modi đã đóng cửa nền kinh tế, từ văn phòng, nhà máy, đường xá, xe lửa, biên giới giữa các bang, gần như mọi thứ.
Hàng chục triệu người Ấn Độ bị mất việc làm ngay lập tức. Nhiều người làm việc trong các nhà máy, công trường xây dựng hoặc ở thành thị, nhưng họ là những người nhập cư từ nông thôn.
Lo sợ họ sẽ chết đói trong các khu ổ chuột ở thành phố, hàng triệu người đã đổ ra khỏi các trung tâm đô thị. Họ đi bộ, đạp xe hoặc leo lên những chuyến xe liều lĩnh để trở về làng, tạo ra một cuộc di cư ngược "hoành tráng" từ thành phố đến nông thôn chưa từng thấy ở Ấn Độ. Trớ trêu, điều đó khiến Covid-19 lây lan ra mọi ngóc ngách ở đất nước 1,3 tỷ dân này.
Giờ đây, khi nhìn lại, nhiều nhà kinh tế đã lần ra gốc rễ của các cuộc khủng hoảng đan xen của Ấn Độ. Đó là vòng xoắn ốc của lây nhiễm và nền kinh tế bị tàn phá. "Sự chậm lại của kinh tế Ấn Độ trong quý II gần như hoàn toàn là do bản chất của phong tỏa", Kaushik Basu, Cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới và hiện là giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ), đánh giá. "Điều này có thể đáng giá nếu khống chế được đại dịch. Nhưng nó đã không hiệu quả", ông gọi phương pháp này là "khóa và phân tán" và đi kết luận rằng nó là chính sách "thất bại".
Sanjay Singh, người đặt một chân lên vách ban công, là một lao động nhập cư từ Madhya Pradesh, vừa quay lại Surat gần đây. Ảnh: NYT
Một số công nhân đã quay trở lại các thành phố. Tuy nhiên, các ngành xây dựng và sản xuất đã giảm mạnh do nhiều lao động nhập cư vẫn bị tổn thương lớn nên không muốn quay lại. "Chúng tôi đã đói nhiều ngày", Mohammad Chand, người đã từng làm việc trong nhà máy may gần Delhi nhưng trốn về quê cách đó hàng trăm dặm nói. "Tôi đã phải chạy trốn hết nơi này đến nơi khác sau khi bị chủ nhà đuổi. Ngay cả người thân cũng bắt đầu đẩy chúng tôi ra cửa", ông kể.
Trong khu chợ dệt ở Surat, Jagdish Goyal ngồi cau có trong cửa hàng vắng vẻ với hàng đống bộ quần áo phụ nữ màu xanh mòng két và cam, có giá rất phải chăng cho người lao động. "Không ai mua", anh nói, "Tại sao? Không có đám cưới để mặc quần áo mới. Không có nơi nào để đi. Không có tiệc sinh nhật lớn. Mọi người sợ hãi bỏ ra ngoài".
Nỗi sợ hãi về việc nhiễm virus dường như là một yếu tố quyết định trong cuộc khủng hoảng kinh tế của Ấn Độ, kéo dài hơn cả thời kỳ phong tỏa. Ra ngoài mua sắm đồng nghĩa với việc phải mạo hiểm với bệnh tật trong thời buổi người bệnh đôi khi bị bệnh viện quay lưng.
Theo Google Mobility Report - theo dõi dữ liệu điện thoại di động, các chuyến đi đến các khu vực bán lẻ và giải trí đã giảm 39% so với trước đại dịch. Ở Brazil và Mỹ, hai nước có nhiều hơn, tỷ lệ này chỉ bằng một nửa.
Chính phủ của ông Modi đã cung cấp một số khoản cứu trợ khẩn cấp, khoảng 260 tỷ USD, nhưng các nhà kinh tế cho cho rằng nó đến được người nghèo quá ít. Nguồn thu thuế giảm mạnh, một số bang không thể trả lương cho nhân viên chăm sóc sức khỏe và nợ chính phủ đang tiến gần mức cao nhất trong 40 năm.
Tuy nhiên, vẫn có một vài bộ phận của nền kinh tế đang hoạt động tốt. Nông nghiệp đã được cải thiện bởi những cơn mưa gió mùa mạnh. Ở một số thành phố, chẳng hạn như New Delhi, nhiều cơ sở kinh doanh đã mở cửa trở lại, với những thông báo kiểu: "Không quá 3 người vào" hoặc "Giảm giá 40%!".
Nguồn: vnexpress