BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Tin hoạt động
Quyết liệt thúc đẩy cải cách
Thứ Ba, 17/03/2015 04:30
Quyết liệt thúc đẩy cải cách

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016. Theo nhiều chuyên gia Chính phủ đã "thúc ép cải cách mạnh mẽ hơn và đặt mục tiêu cao vượt bậc về cải thiện môi trường kinh doanh";.

So với Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang mang lại khí thế mới cho hoạt động doanh nghiệp (Mục Thời luận số báo 812 ra ngày 12-3-2015, ĐTTC đã phân tích), Nghị quyết mới của Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn cho 2 năm 2015-2016. Cụ thể, trong năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt và vượt mức trung bình của 6 nước tốt nhất ASEAN (ASEAN-6). Mục tiêu này cao hơn chút ít so với Nghị quyết 19 (bằng mức trung bình ASEAN-6).

Tuy nhiên, mục tiêu cho năm 2016 cao hơn rất nhiều, khi nghị quyết mới yêu cầu phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế. Từ ASEAN-6 sang ASEAN-4 là một bước tiến vượt bậc. Bởi lẽ trong nhóm ASEAN-6, có 3 nước kém xa mức trung bình của nhóm là Brunei, Philippines và Indonesia, còn 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan lại cao hơn hẳn mức trung bình. Do đó, nếu Việt Nam đạt mức trung bình ASEAN-4 sẽ là bước nhảy vọt lớn.

Khi đó, chúng ta gần như ở giữa Malaysia và Thái Lan. Một thí dụ khác, thời gian giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam theo đo lường của Ngân hàng Thế giới (WB) là 400 ngày. Chúng ta đặt mục tiêu rút ngắn còn tối đa 200 ngày, đây là mục tiêu rất cao, bởi ngay cả Singapore là nước đứng đầu thế giới cũng tới 150 ngày.

Về giải pháp, nghị quyết mới yêu cầu tổ chức thực hiện quyết liệt hơn. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bám sát báo cáo môi trường kinh doanh của WB; nghiên cứu, tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết theo thông lệ quốc tế để thực hiện cải cách của từng ngành, địa phương.

Như vậy, với nghị quyết mới, tư duy rõ ràng hơn, giải pháp cụ thể hơn, việc đánh giá sau này cũng nhất quán hơn. Trước tới nay, các bộ vẫn nói đã cải cách thế này, thế khác, nhưng việc cải cách đó có đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 19 đặt ra hay không thì chưa hẳn. Cách triển khai theo nghị quyết mới sẽ khắc phục điểm này.

Bên cạnh đó, nghị quyết mới cũng đề cập đến những điểm năm ngoái chúng ta chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa được nhiều. Chẳng hạn, về thủ tục xuất nhập khẩu, năm ngoái hầu như chúng ta mới cải cách trong lĩnh vực hải quan. Thế nhưng các nghiên cứu cho thấy vấn đề khiến thông quan tại Việt Nam chậm không phải do hải quan, mà do các thủ tục quản lý chuyên ngành từ các bộ, ngành khác. Nghị quyết mới đặt trọng tâm cải cách vào các thủ tục quản lý chuyên ngành, tức đúng đối tượng hơn. Khi nhìn đúng vấn đề chắc chắn thực hiện sẽ tốt hơn.

Một điểm mới khác của Nghị quyết là yêu cầu công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh trên Cổng Thông tin doanh nghiệp quốc gia; rà soát, đánh giá và kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Báo cáo của WB không đề cập vấn đề này, nhưng nếu chúng ta làm được sẽ cải thiện vượt bậc về môi trường kinh doanh trong thực tế. Nghị quyết nêu ra rất nhiều văn bản, chính sách cụ thể Chính phủ giao cho từng bộ, ngành phải rà soát, sửa đổi hoặc loại bỏ.

Đây chính là kết quả của việc triển khai Nghị quyết 19 từ năm 2014. Kết quả này đã phần nào bác bỏ các ý kiến cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 19 chỉ đi từ ngọn, tức chỉ cải cách thủ tục, nhưng thực tế không phải như thế. Từ vướng mắc trong thủ tục, tức là từ kết quả, chúng ta truy ngược lại nguyên nhân, xem cái gốc ở quy định nào, văn bản nào, thể chế nào. Và trong Nghị quyết mới, Chính phủ đã chỉ rõ từng văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, ngành phải sửa, và yêu cầu sửa theo hướng nào. Điều đó giúp các bộ, ngành biết phải làm gì cụ thể hơn và việc đánh giá sau này cũng dễ dàng hơn.

Nghị quyết mới đã thúc ép cải cách mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, sau những cải cách thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đạt mức trung bình của ASEAN-6, nhiều chỉ tiêu đã vượt, chẳng hạn cấp phép xây dựng hay tiếp cận điện, nộp thuế hay khởi sự kinh doanh…

Trong thời gian tới, khi WB đánh giá lại môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ cải thiện được vị trí, nếu họ không thay đổi phương pháp tính. Nhưng ngay cả có thay đổi, môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đã cải thiện hơn.

Số lượt đọc: 434
Thông báo