Đây
là hoạt động thường niên của JETRO được thực hiện từ năm 1987, đối tượng là các
doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á –
Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, nhằm tìm hiểu những thuận lợi, đặc biệt
là những khó khăn mà doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải để cải thiện môi trường
đầu tư. Cuộc khảo sát lần này diễn ra vào tháng 10 và 11 năm 2014 dưới hình thức
phiếu điều tra. Tại Việt Nam đã có 458 doanh nghiệp có phiếu trả lời hợp lệ.
Tại
buổi làm việc, ông Kawada – Trưởng đại diện JETRO Hà Nội và ông Yasuzumi – Trưởng
đại diện JETRO thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp báo cáo Bộ trưởng Bùi Quang
Vinh kết quả cuộc khảo sát. Kết quả điều tra cho thấy 66% doanh nghiệp Nhật Bản
có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Lý do chính chiếm tới
84% là do doanh thu tăng. Trong khối ngành phi sản xuất, gần 70% lý do là sự
tăng trưởng, tiềm năng cao. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. Việt Nam
tiếp tục được coi là địa điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Bên cạnh đó, cuộc điều tra còn đề cập đến các vấn đề rủi ro trong môi trường đầu
tư. 60% doanh nghiệp cho rằng việc Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3 trong số 15 quốc
gia về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không minh bạch là một vấn
đề rủi ro. Hơn một nửa số doanh nghiệp cho rằng cơ chế và thủ tục thuế vẫn còn
phức tạp. Chi phí nhân công, thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng được cải thiện
hơn trước. Xét tới tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, tỉ lệ nội địa
hóa của Việt Nam là 33,2%, cao hơn Philippines nhưng thấp hơn rất nhiều so với
Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. JETRO khẳng định Việt Nam cần khai
thác tốt hơn sức mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam,
cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo nguồn nhân lực để
chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đánh
giá cao kết quả khảo sát của JETRO, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, môi
trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi, có thể không được như mong đợi của
doanh nghiệp Nhật Bản nhưng đã được cải thiện rất nhiều. Trong năm vừa qua,
Chính phủ đã chỉ đạo rất khắt khe để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ
thể như việc sửa đổi, đổi mới Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng tích
cực, có lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhưng do hai luật này chỉ có hiệu
lực từ ngày 01/07/2015 nên kết quả tích cực của nó chưa được thể hiện trong cuộc
điều tra lần này. Hơn nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu cho Thủ tướng
Chính phủ để đánh giá lại Nghị định số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 về những nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia, chỉ đạo các bộ ban ngành
xem xét, đề xuất những giải pháp hỗ trợ hơn nữa cho nhà đầu tư cũng như
doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Ngoài ra,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn được Chính phủ giao xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề nghị JETRO hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu
tư xây dựng luật này. Đây sẽ là một động lực thúc đẩy cho sự phát triển của
doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tương lai.