Theo thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/8/2021, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có 162 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,52 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án là 9,43 triệu USD, thấp hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước là 11,75 triệu USD. Tổng vốn FDI của khu vực Tây Nguyên hiện nay chiếm khoảng 0,4% tổng vốn FDI của toàn quốc.
Phân theo địa phương
Đăk Lăk là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về thu hút FDI với 24 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 590,53 triệu USD, chiếm 38,6% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo là tỉnh Lâm Đồng với 103 dự án, vốn đầu tư 515,12 triệu USD, chiếm 33,7% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ ba là Đăk Nông với 19 dự án, vốn đăng ký 309,34 triệu USD, chiếm 20,2% tổng vốn đăng ký. Tỉnh Kon Tum đứng thứ tư, thu hút được 9 dự án, vốn đăng ký 93,86 triệu USD, chiếm 6,1% vốn đăng ký. Còn lại là tỉnh Gia Lai thu hút được 7 dự án với 19,89 triệu USD, chiếm 1,3% vốn đăng ký.
Phân theo ngành
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại 12/21 ngành kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện dẫn đầu với 10 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 643,59 triệu USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thu hút được 73 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 401,95 triệu USD, chiếm 26,3% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 52 dự án, tổng vốn đăng ký 304,8 triệu USD, chiếm 19,9% tổng vốn đăng ký. Còn lại là các lĩnh vực khác như hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ,...
Phân theo đối tác
Đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, dẫn đầu là Singapore với 22 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 463,83 triệu USD, chiếm 30,3% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ hai là Hồng Kông với 9 dự án và 199,42 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 13% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ ba là British Virgin Islands với 08 dự án, vốn đăng ký 158,58 triệu USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc,...
Dự án tiêu biểu
Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 1, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 02/3/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký 94 triệu USD. Dự án ký kết theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh của nhà đầu tư Singapore tại tỉnh Đăk Lăk.
Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 2, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 03/3/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký 83,06 triệu USD. Dự án ký kết theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh của nhà đầu tư Trung Quốc tại tỉnh Đăk Lăk.
Dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 2, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 02/3/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký 79,44 triệu USD. Dự án ký kết theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh của nhà đầu tư Singapore tại tỉnh Đăk Lăk.
8 tháng đầu năm 2021, khu vực Tây Nguyên thu hút được 07 dự án mới, 01 lượt dự án điều chỉnh, 27 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 451,8 triệu USD, chiếm 2,36% tổng vốn FDI đăng ký của toàn quốc trong giai đoạn này. Tỉnh Đăk Lắk dẫn đầu với 432,88 triệu USD, chiếm 95,8% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ hai là tỉnh Lâm Đồng với 10,34 triệu USD, chiếm 2,3% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ ba là tỉnh Đăk Nông với 7,65 triệu USD, chiếm 1,7% tổng vốn đăng ký. Còn lại là tỉnh Kon Tum thu hút được 0,53 triệu USD và tỉnh Gia Lai thu hút được 0,41 triệu USD.
Tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức của khu vực Tây Nguyên trong thu hút ĐTNN
Tiềm năng, lợi thế:
Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có sản lượng lớn, nhiều loại nông sản như cà phê, ca cao, tiêu, bắp lai… sản lượng đứng đầu cả nước.
Tiềm năng trong việc khai thác năng lượng gió trên địa bàn
Khó khăn, thách thức:
Vị trí địa lý của khu vực nằm xa cảng biển, nơi tiêu thụ sản phẩm dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu cao dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh so với các tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt, có vị trí địa lý thuận lợi.
Cơ sở hạ tầng của khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Hầu hết các cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh chưa được xây dựng hạ tầng đồng bộ và đảm bảo các điều kiện về giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy chữa cháy.
Số lượng doanh nghiệp FDI còn ít, quy mô nhỏ, chưa có nhiều dự án chế biến sâu, đặc biệt chế biến các sản phẩm là thế mạnh của các tỉnh trong khu vực như cà phê, cao su, thức ăn gia súc.
Chất lượng công tác đào tạo nhân lực chưa đáp ứng được về trình độ lẫn cơ cấu ngành, nghề theo nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.
Một số giải pháp để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư tại khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới
Thu hút đầu tư có chọn lọc, hạn chế các dự án đầu tư sử dụng nhiều tài nguyên đất, rừng, nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác ảnh hưởng môi trường. Không khuyến khích triển khai các dự án đầu tư làm hủy hoại cảnh quan, môi trường sinh thái, rừng tự nhiên và ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án nhà máy chế biến nông sản xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có; đồng thời gắn với nâng cao năng lực chế biến nông sản chất lượng cao của doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu, đáp ứng được theo nhu cầu của khách hàng trên thị trường thị giới.
Làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng vẫn ổn định và đáng tin cậy.
Điều chỉnh, cập nhật kịp thời Kế hoạch xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh, theo đó thay đổi về các điểm đến, khung thời gian thực hiện xúc tiến tại nước ngoài, điều chỉnh hình thức các hoạt động xúc tiến trong nước như tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm trực tuyến.
Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường để tập trung kêu gọi đầu tư.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chú trọng lựa chọn, thu hút một số nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để làm động lực kích thích phát triển lan tỏa kinh tế - xã hội.
Đào tạo, bồi dưỡng, nhanh chóng chuẩn hóa, nâng cao mặt bằng chung về chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao…