BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 23/11/2024
Báo cáo theo Vùng
Thu hút đầu tư nước ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Chủ Nhật, 05/09/2021 03:41
Thu hút đầu tư nước ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đến tháng 8/2021, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 1.825 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 33,5 tỷ USD, chiếm 8,4% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước và xếp thứ 4 trong 6 vùng của cả nước

Tính lũy kế đến ngày 20/8/2021, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 1.825 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 33,5 tỷ USD, chiếm 8,4% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước và xếp thứ 4 trong 6 vùng của cả nước (sau Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung).

 Quy mô vốn bình quân dự án của Vùng đạt 18,3 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước là khoảng 11,8 triệu USD/dự án do Vùng có một số dự án quy mô lớn trên 1 tỷ USD[1].

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, vùng ĐBSCL đã thu hút được 65 dự án mới, điều chỉnh 63 lượt dự án và 81 trường hợp góp vốn, mua cổ phần (GVMCP). Tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và GVMCP đạt 5,14 tỷ USD.

Theo địa phương: Long An là địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL về thu hút ĐTNN cả về số dự án và tổng vốn đầu tư với 1.263 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 12 tỷ USD (chiếm 69,2% số dự án và gần 35,9% tổng vốn đăng ký). Kiên Giang đứng thứ hai với 62 dự án, vốn đầu tư 4,81 tỷ USD (chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tiếp theo là Bạc Liêu, Trà Vinh với tổng vốn đầu tư lần lượt là 4,56 tỷ USD (chiếm 13,6%) và 3,34 tỷ USD (chiếm gần 10%). Các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang chiếm tỷ lệ vốn đăng ký nhỏ (dưới 1%) trong cả Vùng.

Theo ngành: Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế tại ĐBLCL. Số lượng dự án ĐTNN trên địa bàn Vùng chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 80,9% số dự án). Đây cũng là ngành dẫn đầu về tổng vốn đăng ký, với 13,86 tỷ USD (chiếm 41,4% tổng vốn đăng ký). Với nhiều dự án có quy mô vốn lớn, ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai, tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD (chiếm 38,9% tổng vốn đăng ký). Đứng thứ 3 là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, tổng vốn đăng ký 2,4 tỷ USD (chiếm 7,2%).

Theo đối tác: Đã có 52 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án ĐTNN tại các tỉnh vùng ĐBSCL. Trong đó dẫn đầu là Singapore với 94 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 9,36 tỷ USD (chiếm 27,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Nhật Bản đứng thứ hai với 183 dự án và 3,81 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tiếp theo là Malaysia với tổng vốn đăng ký 2,91 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký). Ba đối tác này dẫn đầu về tổng vốn đầu tư đăng ký, song Trung Quốc và Hàn Quốc mới là 2 đối tác có số lượng dự án đầu tư lớn nhất tại ĐBSCL, lần lượt là 361 và 339 dự án (chiếm 19,8 và 18,6% số dự án của vụng).

Một số hạn chế

ĐBSCL là một điểm sáng về cải cách chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh, dẫn đầu cả nước về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và tính năng động. Tuy nhiên thu hút vốn ĐTNN còn hạn chế và chưa tương xứng với chỉ số năng lực cạnh tranh của vùng, chiếm tỷ trọng nhỏ so với bình quân chung của cả nước. Ngoại trừ Long An thu hút ĐTNN tốt nhờ lợi thế tiếp giáp với TP.HCM, các tỉnh còn lại thu hút được rất ít dự án ĐTNN và thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Hạn chế này do khá nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là hạ tầng giao thông của khu vực còn gặp rất nhiều khó khăn.

- Nếu so sánh với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ thì khu vực ĐBSCL hạn chế hơn nhiều về hạ tầng giao thông. Vùng có vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, kết cấu hạ tầng hạn chế. Chất lượng hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL thời gian qua có thay đổi tích cực hơn nhưng chậm so với cả nước. Sau khi khánh thành cầu Mỹ Thuận, phải mất 10 năm sau mới có cầu Cần Thơ và dự kiến sẽ mất thêm vài năm nữa mới có đường cao tốc đoạn Trung Lương - Cần Thơ. Chính sự trì trệ về kết cấu hạ tầng khiến thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.

Cho dù ĐBSCL đã có sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc nhưng giao thông chưa thông suốt và do vậy các sân bay quốc tế chưa phát huy được hết tác dụng, chưa kết nối giao thông vùng và cũng mở ra các chuyến bay quốc tế đi các nước. Hệ thống cảng nước sâu cũng chưa được đầu tư phát triển, hơn 70% hàng hóa ra vào vùng này có nhu cầu vận chuyển đường thủy, nhưng tàu lớn không vào được cảng vì luồng bị ách tắc, nên hàng hóa không thể lưu thông và buộc phải lưu thông bằng đường bộ, dẫn đến đội giá thành sản phẩm.Hệ thống các cơ sở hạ tầng khác như các khu nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí cũng còn thiếu và yếu. 

- Công tác giải phóng mặt bằng ở vùng ĐBSCL rất khó khăn, với thời gian kéo dài, chi phí đền bù cao do đặc điểm tự nhiên đất hẹp, người đông, mật độ cư dân sinh sống đông đúc, công trình, nhà cửa, vật kiến trúc dày đặc làm nản lòng nhà đầu tư.

- Khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở khu vực ĐBSCL còn yếu. Số lượng lao động tuy đông, nhưng lao động giản đơn nhiều, cơ cấu không đa dạng và chất lượng học vấn cơ bản thấp, thiếu lao động đã qua đào tạo. Đây là điểm yếu của vùng vốn đã kéo dài triền miên qua nhiều năm, nhưng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

- Các ngành công nghiệp phụ trợ của Vùng chưa phát triển, hoạt động xúc tiến đầu tư chưa có sự phối hợp giữa các địa phương và với các vùng lân cận.

Một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trên cơ sở thực tiễn tại các địa phương cũng như định hướng chung của Chính phủ về quy hoạch tổng thể. Ðể thúc đẩy sự liên kết và tạo lập nguồn lực vùng trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và của vùng ĐBSCL hiệu quả hơn cần thực hiện một số giải pháp sau:

(1) Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước về định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn tới để tổ chức triển khai thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ĐTNN vào từng địa phương phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm.

(2) Quy hoạch vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng của vùng và xây dựng trong từng giai đoạn cụ thể, quản trị vùng theo lợi thế so sánh của từng địa phương.

(3) Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy. Có cơ chế cho sân bay Cần Thơ mở thêm các đường bay nội địa kết nối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số chuyến bay quốc tế có tiềm năng phát triển du lịch đến ĐBSCL. Phát triển thêm đường cao tốc tại ĐBSCL, phát triển hệ thống đường thủy để phát triển du lịch và vận tải đường sông vốn là thế mạnh đặc thù của vùng ĐBSCL.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.

(4) Để hấp dẫn hơn đối với nhà ĐTNN, các tỉnh ĐBSCL cần dành nguồn lực đầu tư mạnh hơn nữa vào đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư.

(5) Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện dự án sau đăng ký…

- Chú trọng xúc tiến ĐTNN (đặc biệt là đầu tư của Nhật) vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản phù hợp với thế mạnh, định hướng phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Vùng; hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp ĐTNN, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, thường đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo thiết bị, công nghệ kỹ thuật ở khu vực ĐBSCL và mới xuống đến tỉnh Long An. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, thủy sản, vốn là thế mạnh của các địa phương còn lại, chưa được các doanh nghiệp ĐTNN quan tâm.

- Ưu tiên các dự án lớn mang tính chất kết nối các địa phương trong vùng và các vùng lân cận, đồng thời phát huy vai trò các quỹ đầu tư phát triển địa phương của các tỉnh, thành phố trong vùng.

- Xây dựng cơ chế, quy trình, danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công - tư (PPP);

 (6) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của vùng.

- Rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các dự án đang triển khai để thúc đẩy giải ngân.

(7) Đổi mới tư duy phát triển, xác định chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm liên kết vùng có hiệu quả. Gắn kết được quá trình liên kết chuỗi giá trị kinh tế sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong thời gian tới.



[1] Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD; Dự án nhà máy điện LNG Long An I và II, tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD; Dự án nhà máy điện Duyên Hải 2, tổng vốn đầu tư gần 2,41 tỷ USD tại Trà Vinh; Dự án Công ty TNHH một thành viên Starbay Việt Nam, tổng vốn đầu tư 1,65 tỷ USD tại Kiên Giang; Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, tổng vốn đầu tư 1,31 tỷ USD; Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, tổng vốn đầu tư 1,28 tỷ USD do Nhật Bản đầu tư tại Kiên Giang.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 6434

File đính kèm:

Thông báo