BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Báo cáo theo Vùng
Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Thứ Tư, 01/09/2021 03:34
Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Vùng ĐNB gồm các tỉnh (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện có 17.251 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 163,2 tỷ USD, chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký đầu tư và dẫn đầu cả nước.

Kết quả thu hút ĐTNN tại vùng ĐNB lũy kế đến tháng 8/2021

 Tính lũy kế đến ngày 20/8/2021, trên địa bàn Vùng ĐNB gồm các tỉnh (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện có 17.251 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 163,2 tỷ USD, chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký đầu tư và dẫn đầu cả nước.

Quy mô vốn bình quân dự án của Vùng đạt gần 9,5 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước là khoảng 11,8 triệu USD/dự án.

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, vùng ĐNB đã thu hút được 526 dự án mới, điều chỉnh 205 lượt dự án và 1.866 trường hợp góp vốn, mua cổ phần (GVMCP). Tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và GVMCP đạt 5,64 tỷ USD.

Theo địa phương: Trên địa bàn Vùng ĐNB, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 10.261 dự án, tổng vốn đầu tư trên 49 tỷ USD (chiếm 59,5% tổng số dự án và chiếm 30,1% tổng vốn đầu tư đăng ký). Bình Dương đứng thứ 2 với  tổng vốn đầu tư gần 36,9 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước.

Theo ngành: Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế tại ĐBLCL. Vốn ĐTNN trên địa bàn Vùng chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 43,5% số dự án và 60,3% tổng vốn). Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 519 dự án, với tổng vốn đăng ký 29,7 tỷ USD, chỉ chiếm 3% về số dự án nhưng chiếm 18,2% về vốn đăng ký. Tiếp theo là các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống và bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt là gần 5,8 tỷ USD và 5,3 tỷ USD.

Nếu xét về số dự án, thì Công nghiệp CBCT, bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông là các ngành thu hút nhiều dự án ĐTNN nhất trên địa bàn Vùng.

Theo đối tác: Đã có 127 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án ĐTNN tại các tỉnh vùng ĐNB. Hàn Quốc dẫn đầu với 3.470 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 22,65 tỷ USD (chiếm 13,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Singapore đứng thứ hai với 21,9 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư đăng ký). Nhật Bản đứng thứ 3 với gần 17,5 tỷ USD (chiếm 10,7% tổng vốn đăng ký). Còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Một số dự án lớn trên địa bàn Vùng Đông Nam Bộ:

(1) Dự án Tổ hợp hóa dầu miền nam Việt Nam (Thái Lan), tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,16 tỷ USD với mục tiêu sản xuất các sản phẩm hóa dầu tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

 (2) Công ty TNHH dự án Hồ Tràm (Canada), tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,23 tỷ USD với mục tiêu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, khu KS, vui chơi có thưởng tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

(3) Công ty TNHH Winvest Investment (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư đăng ký 4,1 USD với mục tiêu xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

 (4)  Công ty TNHH một thành viên đô thị đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Malaysia), tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,5 tỷ USD với mục tiêu phát triển một khu đô thị - đại học quốc tế trong Khu đô thị Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh.

(5) Dự án công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (Singapore), tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, gia công tiếp thị và kinh doanh, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm điện tử gia dụng; thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho các nhà máy điện tử của Tập đoàn Samsung.

Một số ưu điểm, hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài vùng Đông Nam Bộ:

Mặt được:

- ĐTNN trên địa bàn Vùng ĐNB đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của Vùng; bổ sung vốn cho đầu tư phát triển địa bàn; thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó, ĐTNN của Vùng đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động cả trực tiếp và gián tiếp, tạo thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn, góp phần ổn định cuộc sống của người dân địa phương.

- Cơ cấu vốn ĐTNN của Vùng Đông Nam Bộ có tính ổn định phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của Vùng. Trong đó, tỷ trọng đầu tư đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp luôn duy trì ở mức trên 50%[1]. Vốn đầu tư bình quân của một dự án đầu tư trong lĩnh vực này khá cao, khoảng 12,9 triệu USD/1 dự án.

Hạn chế:

- Quỹ đất sạch để thu hút đầu tư không còn nhiều. Diện tích đất cho thuê tại các KCX-KCN hầu hết đã được lấp đầy. Hạ tầng phía ngoài KCX-KCN cũng đang bị quá tải, làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm năng lực cạnh tranh của các DN.

- Giá cho thuê quá cao so với các KCX-KCN khu vực lân cận khiến cho DN gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất.

Một số giải pháp:

(i) Giải pháp trước mắt:

- Khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng các Chương trình đăng ký hồ sơ trực tuyến, Dịch vụ chuyển phát hồ sơ qua bưu điện…để nộp hồ sơ.

- Thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn ĐTNN nhằm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02 tháng 4 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các tỉnh trên địa bàn vùng sau khi dịch bệnh được kiểm soát để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cung cấp các mặt hàng chất lượng cao cho các tỉnh thành và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa.

- Điều chỉnh, cập nhật kịp thời Kế hoạch xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch cho phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid 19, theo đó thay đổi về các điểm đến, khung thời gian thực hiện xúc tiến tại nước ngoài, thực hiện các hoạt động xúc tiến trong nước như tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm theo hình thức trực tuyến.

- Thực hiện ngay các giải pháp chuẩn bị sẵn sàng đón các Nhà đầu tư quay trở lại sau khi dịch bệnh được khống chế, cụ thể:

+ Chủ động rà soát, khẩn trương hoàn chỉnh Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, làm cơ sở để giới thiệu với các Nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, đầu tư vào địa bàn vùng.

+ Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Tổ chức rà soát lại quỹ đất công, trong đó sẽ nghiên cứu tổ chức đấu thầu, đấu giá công khai đối với một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng giá trị lớn để thu hút các nhà đầu tư có năng lực cũng như tạo vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.

(ii) Giải pháp dài hạn:

- Thu hút đầu tư để xây dựng Trung tâm Tài chính tại TP HCM, từ đó lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng.

- Tập trung thu hút đầu tư các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot,...); phát triển công nghiệp thời trang, ngành dệt may, da giày, công nghiệp thiết kế; chuyển từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, phát triển ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

- Tập trung thu hút đầu tư tại các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực R&D, các dự án công nghệ cao của các Tập đoàn lớn đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á khác cũng như các đối tác đã có ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác thu hút đầu tư, tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác trong thời gian tới.

- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Trong đó, duy trì kênh đối thoại giữa Thành phố với các nhà đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đã được giao dự án sử dụng đất thực hiện nghiêm các điều kiện đã cam kết với địa phương trên địa bàn; có biện pháp xử lý, chế tài kiên quyết đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng theo cam kết, chậm tiến độ thực hiện dự án.

- Đào tạo, bồi dưỡng, nhanh chóng chuẩn hóa, nâng cao mặt bằng chung về chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, các sản phẩm chủ lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và trọng dụng nhân tài, gắn với phát triển khoa học - công nghệ, phát huy mạnh mẽ tiềm lực con người, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố nhanh và bền vững.



[1] Lũy kế đến 8/2021, lĩnh vực công nghiệp (bao gồm công nghiệp CBCT, xây dựng, sản xuất, phân phối điện) chiếm 65,2% tổng vốn đầu tư của cả Vùng ĐNB.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 2529
Thông báo